3 tỷ USD mua nhà Mỹ từ kiều hối: Tiền dội ngược?

Đến thời điểm này chưa có một số liệu hay bằng chứng cụ thể về việc kiều hối sau khi vào Việt Nam bị đưa ngược lại ra nước ngoài.

Thiếu cơ sở khoa học

Mới đây tại diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về con số người Việt chi 3 tỷ USD, thậm chí có thể còn lớn hơn, chảy sang Mỹ để mua nhà theo công bố của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR).

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, con số này chưa hẳn tất cả đều là của doanh nhân. Ông Đông cũng cho biết, có thể lý giải rằng con số này 1 phần nằm trong nguồn kiều hối mà kiều bào đưa vào, song sau đó chảy ra lại.

Trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng số tiền 3 tỷ USD người Việt dùng để mua nhà tại Mỹ đối với nền kinh tế nước ta là rất lớn.

Do đó để có thông tin một cách rộng rãi, công khai, TS Hiếu đề nghị tiến hành một sự nghiên cứu cụ thể, khách quan về bản chất của những con số trên.


Người Việt chi 3 tỷ USD để mua nhà tại Mỹ. Ảnh minh họa

Người Việt chi 3 tỷ USD để mua nhà tại Mỹ. Ảnh minh họa

“GDP của Việt Nam khoảng 200 tỷ USD trong năm 2016. 3 tỷ USD chiếm khoảng 1,5% GDP của cả nước. Đó là một số lượng tiền rất lớn đầu tư bất động sản tại Mỹ.

Tuy nhiên cần làm rõ con số 3 tỷ USD gồm những đối tượng nào? Ai là người sở hữu những căn nhà đó. Có phải chỉ những người chỉ ở Việt Nam không hay cả những người Mỹ gốc Việt cũng nằm trong danh sách đó?.

Hơn nữa, đây chỉ mới là đầu tư bất động sản tại Mỹ. Nếu tính tất cả số lượng người Việt bỏ tiền mua nhà ở nước ngoài trên thế giới thì có lẽ rất lớn chứ không phải chỉ dừng lại ở 3 tỷ USD. Theo tôi đây là tin tức không tốt lành cho Việt Nam”, TS Hiếu nhấn mạnh.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng không đồng tình trước giải thích của đại diện Bộ KH-ĐT khi cho rằng con số 3 tỷ USD một phần nằm trong nguồn kiều hối mà kiều bào đưa vào, song sau đó chảy ra lại.

Vị chuyên gia nhận định, đến thời điểm này chưa có một số liệu hay bằng chứng cụ thể về việc kiều hối sau khi vào Việt Nam bị đưa ngược lại ra nước ngoài.

“Cho đến thời điểm này cũng chỉ là một cái giải thích cá nhân và chưa có một cơ sở nào cả. Đây là một cách phỏng đoán nhiều hơn là những kết luận mang tính khoa học.

Nếu hiệp hội Bất động sản của Mỹ công bố số liệu trên thì phải có phân tích về nguồn tiền đó. Chúng ta phải tìm hiểu kỹ về vấn đề này trước khi đưa ra nhận định hay phát biểu gì”, TS Hiếu nói.

Chuyển tiền bằng cách nào?

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay có 2 hình thức chủ yếu để chuyển tiền ra nước ngoài.

Thứ nhất là theo con đường chính thức với số tiền không vượt quá 5.000 USD. Những những người đi chữa bệnh hoặc chuyển tiền cho con đi du học cũng có những quy định hết sức cụ thể.

Thứ hai là người Việt chuyển một số lượng tiền lớn ra nước ngoài theo những con đường không chính thức.

“Việc đầu tư vào bất động sản cần một chi phí rất lớn cho mỗi người. Đối với nước Mỹ, để mua một ngôi nhà phải bỏ ra ít nhất 300.000 USD, trung bình là 500.000 USD. Có những nhà ở California mức 1 triệu USD là tối thiểu.

Với những quy định giám sát chặt chẽ của pháp luật hiện nay, theo tôi nhiều người Việt không chuyển ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng mà đi theo dạng không chính thức”, TS Hiếu chia sẻ.

Theo TS Hiếu, hiện nay có rất nhiều cách để chuyển tiền không chính thức ra nước ngoài. Đầu tiên, có thể áp dụng hình thức 4 bên: Bên A, bên B ở Việt Nam và bên C, bên D ở nước ngoài.

“Chẳng hạn, tôi muốn chuyển 1 triệu USD ra nước ngoài. Tôi chuyển cho bên B một lượng tiền Việt Nam đồng tương đương, khoảng 22 tỷ đồng. Bên B có người liên quan hay một công ty là bên C ở bên Mỹ. Những người này sở hữu sẵn một lượng tiền USD và theo lệnh của phía B sẽ chuyển 1 triệu USD cho bên D là người quen của bên A (con cái, người thân).

Đây là cách giao dịch mà chúng ta không mất ngoại tệ. Tiền đồng vẫn ở trong nước, còn tiền USD thì lưu chuyển bên Mỹ”, TS Hiếu nói.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra một số cách thức khác, chẳng hạn như người dân lập công ty ở nước ngoài rồi thông qua các đơn hàng mua bán xuất, nhập khẩu hàng hóa để nâng giá sản phẩm nhằm chuyển một khối lượng tiền lớn ra nước ngoài để mua bán bất động sản.

“Tôi nghĩ trong số 3 tỷ USD người Việt chuyển sang MỸ có thể có những nguồn từ tài sản tham nhũng. Do đó nguồn tiền đó phải tẩu tán ra bên ngoài để được bảo vệ. Ở Trung Quốc, quan chức cũng tẩu tán rất nhiều tài sản tham nhũng để mua tài sản, bất động sản tại Mỹ. Đó là điều báo động cho các cơ quan chức năng ở Việt Nam”, TS Hiếu nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng trên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trước nhất các cơ quan chức năng phải có các quy định chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như việc chuyển tiền 4 bên hay kiểu mua bán đồng biscom diễn ra phổ biến thời gian vừa qua có phải là bất hợp pháp hay không.

Thứ hai, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc những hoạt động mang tính chất rửa tiền và trái với các quy định của pháp luật.

“Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cũng tùy thuộc rất nhiều vào nhận thức của người dân. Nếu nền kinh tế Việt Nam ổn định và người dân thấy tài sản được bảo vệ tại Việt Nam thì chắc họ sẽ không nghĩ đến việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

Vấn đề ở đây là làm sao chúng ta tạo được sự tin tưởng của người dân vào nền kinh tế để họ yên tâm đầu tư tiền bạc tại Việt Nam”, TS Hiếu nói.

Theo Nguyễn Hoàn
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm