3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Bí ẩn tiền nổi tiền chìm
Người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ, gấp 20 lần tổng vốn doanh nghiệp Việt đầu tư vào Mỹ nhưng đó chỉ là bề nổi. Cảnh báo về những kênh chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, gây thất thoát nguồn tài chính quốc gia mới là vấn đề lớn
Con số có thể còn nhiều hơn thế
Là một người Việt quốc tịch Mỹ, thường xuyên đi lại giữa 2 nước Việt- Mỹ, GS Hà Tôn Vinh chia sẻ: “Xét ở góc độ tài chính, việc mua nhà ở Mỹ không quá khó bởi giá rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Với khoảng 300.000 USD là có thể mua được 1 căn hộ ngoại ô rộng tới 200m2. Còn nếu ở thành phố, 500.000 USD là có thể mua được”.
Câu chuyện mua nhà hay đầu tư bất động sản ở Mỹ đã bắt đầu rộ lên từ năm 2012, khi ông Phạm Đình Nguyên, một doanh nhân ở Tp HCM đã mua cả thị trấn Buford của Mỹ với giá 900 ngàn USD. Sau thương vụ của ông Nguyên, việc đầu tư bất động sản ở các quốc gia phát triển số 1 như Mỹ đã trở thành một xu hướng mới lạ, hấp dẫn của người Việt.
Tuy nhiên, “đầu tư đến 3 tỷ USD thì rất đáng suy ngẫm. Pháp luật Mỹ yêu cầu người mua nhà phải chứng minh được nguồn gốc tiền hợp pháp. Vậy 3 tỷ USD ấy từ đâu ra, chuyển bằng kênh nào? Thực chất, con số này chỉ là bề nổi", GS Vinh bình luận.
Theo GS Vinh, với quy định quản lý ngoại hối mỗi lần ra nước ngoài chỉ được mang theo 5.000 USD, núp dưới danh nghĩa gửi học phí du học thì cũng không thể tích đủ tới số ấy.
Trong khi đó, tiền trong nước chuyển sang Mỹ nếu theo hình thức đầu tư kinh doanh thì việc chứng minh được nhu cầu để giải ngân cho dự án tại Mỹ cũng không dễ.
"Kênh dễ nhìn thấy nhất là đầu tư thẻ xanh (thẻ định cư), mua quốc tịch Mỹ. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại, liên quan đến việc di cư của người Việt. Chỉ cần 500.000- 1 triệu USD là có thể có được thẻ xanh và khi đó, người ta có thể chuyển tiền dễ dàng hơn", GS Vinh nói.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT cho biết, tính từ thời điểm 1/7/2015 đến nay, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài mới chỉ có 1,94 tỷ USD với 193 dự án, tức mới bằng 64% tổng số tiền mua nhà trên.
Mỹ là điểm đến thứ 3 của các nhà đầu tư Việt Nam với 34 dự án, tổng vốn đăng ký chỉ có 148,9 triệu USD, nghĩa là, số tiền mua nhà tại Mỹ trong năm qua đã gấp 20 lần tổng số tiền theo con đường đầu tư này.
Đối với riêng bất động sản, các doanh nghiệp Việt mới chỉ đầu tư có 64,5 triệu USD ra nước ngoài, bằng 1/5 so với số tiền người Việt đã mua nhà ở Mỹ và về bản chất, đa số là mua để làm địa điểm kinh doanh.
GS Vinh lo ngại: "Chúng ta không biết được, con số thật tiền trong nước đã chuyển ra ngoài là bao nhiêu? Nhưng rõ ràng, đã có sự thất thoát nguồn tài chính trong nước, làm hại cho sự phát triển của quốc gia. 3 tỷ USD đáng lẽ cần được giữ lại đầu tư phát triển".
GS Hà Tôn Vinh nhấn mạnh: "Nếu đó không phải là tiền bẩn thì dù là tiền sạch, nó cũng cho thấy một thực trạng không ít người Việt đang muốn tìm nơi nào khác giữ tiền an toàn hơn, đảm bảo cho tương lai của mình".
"Kênh chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài có rất nhiều. Điều này cần sự vào cuộc làm rõ của các nhà quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Bộ Công an", GS Vinh nói.
Cho đến nay, 189 tổ chức, cá nhân người Việt có tên trong Hồ sơ Panama - do Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế ICIJ công bố - một dữ liệu rúng động toàn cầu về các nghi án trốn thuế, rửa tiền, cũng đã được các cơ quan chức năng tuyên bố rà soát, điều tra nhưng kết quả đến nay vẫn trong vòng bí mật.
Siêu giàu bí ấn và nguồn tiền ra đi
Lâu nay, chuyện người Việt chi cả tỷ USD cho tiêu dùng ở nước ngoài đã trở nên không còn lạ.
Chẳng hạn như đầu năm ngoái, Bộ Y tế cho biết có tới 40.000 người Việt Nam đã chi khoảng 2 tỷ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh, chủ yếu sang Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…
Người Việt siêu giàu có thể dễ dàng mua nhà tại Mỹ
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối năm 2015 cho biết có 110.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại 47 quốc gia với tổng số học phí khoảng 3 tỷ USD/năm.
Hiệp hội Lữ hành Việt Nam công bố hồi tháng 4 vừa qua ước tính, mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt chi tới 6 tỷ USD đi du lịch nước ngoài như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…
Quy mô tiêu dùng đó thật trái ngược với vị thế Việt Nam- một đất nước còn nghèo, đang ở nấc thấp nhất của nước thu nhập trung bình với thu nhâp bình quân hơn 2.200 USD/người/năm
Những việc chi tiêu đó lại có vẻ tương thích với con số Việt Nam có tới 200 người siêu giàu theo báo cáo tài sản toàn cầu thường niên Wealth Report 2017 của Knight Frank công bố tháng 3 năm nay. Đó là những người sở hữu trên 30 triệu USD tài sản ròng và dự kiến tăng tới 170% trong 9 năm tới.
Ước tính sơ bộ có tới 14 tỷ USD/năm người Việt mang ra ngoài để phục vụ cho các nhu cầu mua nhà, chữa bệnh, đi học, du lịch này… Vậy, đằng sau những con số này liệu có vấn đề gì liên qua đến môi trường sống và kinh doanh ở Việt Nam?.
Hiện Việt Nam được xếp thứ 5 thế giới, cao nhất châu Á về chỉ số hành tinh hạnh phúc theo nghiên cứu kinh tế-xã hội New Economics Foundation (Anh) công bố năm 2016.
Tháng 8 năm ngoái, trang web InterNations còn công bố kết quả điều tra về những nơi đáng sống với các tiêu chí khả năng ổn định và hòa nhập, môi trường làm việc, đời sống gia đình và tài chính cá nhân thì Việt Nam là quốc gia thứ 11 đáng sống của người nước ngoài.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam năm qua cũng tăng 9 bậc, xếp thứ 82 trong 190 nền kinh tế theo báo cáo Doing Business 2017.
Chúng ta có thể lạc quan với những chỉ số và báo cáo trên đây nhưng với 3 tỷ USD qua Mỹ mua nhà và hàng tỷ USD tiêu dùng, đầu tư cho các nhu cầu khác ở nước ngoài lại đặt ra nhiều câu hỏi cần phải suy nghĩ.
Theo Phạm Huyền
VietnamNet