1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

3 thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan

(Dân trí) - Việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, và hội nhập kinh tế quốc tế cũng sẽ đem lại các trở ngại và thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 5/6, Trường Đại học Thương mại phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới thương mại và đầu tư của Việt Nam”.

3 thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan - 1

Các đại biểu tham dự hội thảo quốc gia

FTA “thế hệ mới” tham gia đầu tư trên thị trường quốc tế

Tại hội thảo, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, hiện nay, việc các quốc gia, và khu vực thúc đẩy việc thành lập và tham gia các hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA) không còn là một xu hướng mới trong thương mại quốc tế.

Các hiệp định thương mại “truyền thống” đóng vai trò quan trọng trong việc tự do hóa thương mại, cụ thể là bằng việc cắt giảm các hàng rào thuế quan giữa các quốc gia. Do đó, mức thuế quan áp dụng trung bình trên thế giới đã có mức giảm thiểu đáng kể trong 20 năm trở lại đây.

Do vậy, ưu việt hơn so với các Hiệp định thương mại tự do “truyền thống”, các Hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” ngoài việc gỡ bỏ mạnh mẽ hơn hàng rào thuế quan, còn chứa đựng các cam kết liên quan đến các phương diện khác của thương mại bao gồm:

Các quy định liên quan đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Các quy định liên quan đến thương mại dịch vụ; Các quy định về hài hòa hóa rào cản kỹ thuật (TBT) và các vấn đề liên quan đến vệ sinh dịch tễ (SPS); Các quy định, vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan; Các vấn đề liên quan đến thương mại khác như: môi trường, sở hữu trí tuệ, tăng cương hợp tác, tiêu chuẩn sử dụng lao động vv…

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tại hội thảo cho biết, với các thỏa thuận và mức độ bao phủ sâu rộng hơn, các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”, không chỉ xúc tiến thương mại toàn cầu thông qua việc cắt giảm mạnh hơn thuế quan, mà còn bằng cách thuận lợi hóa các vấn đề liên quan, cũng như thích nghi và đáp ứng tốt hơn với môi trường và bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng đa dạng và phức tạp.

Chính vì sự quan trọng, cũng như mức độ tác động sâu và rộng tiềm tàng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này; việc nghiên cứu, lượng hóa và đánh giá tác động của các FTA “thế hệ mới” lên thương mại quốc tế nói chung và thương mại Việt Nam nói riêng là cực kì cần thiết đối với các cá thể tham gia trao đổi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cũng như đầu tư trên thị trường quốc tế.

3 thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan - 2

Hiệp định EVFTA và CPTPP đều có các điều khoản tự do hóa thương mại mạnh và sâu hơn so với các hiệp định thương mại tự do “truyền thống”.

Hiệp định EVFTA và CPTPP: Tự do thương mại hóa

Theo các chuyên gia, với nhu cầu hội nhập thương mại quốc tế cao, cũng như đáp ứng nhu cầu xúc tiến khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu, Việt Nam hiện nay đang tham gia đàm phán cũng như đã kí kết một vài các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong đó, tiêu biểu là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Newzeland, Singapore và Việt Nam, được ký kết vào ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố Santiago, Chile và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU được Hội đồng Châu Âu thông qua vào ngày 30/3/2020.

Hiệp định EVFTA và CPTPP đều có các điều khoản tự do hóa thương mại mạnh và sâu hơn so với các hiệp định thương mại tự do “truyền thống”.

Cụ thể, các nước tham gia hiệp định CPTPP cam kết sẽ cắt giảm từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng quốc gia.

Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng khác sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong khoảng thời gian từ 5-10 năm.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) cũng có các cam kết mạnh về thuế quan, cụ thể Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% các dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với khối Liên minh EU và 10 năm đối với Việt Nam.

Ngay khi có hiệu lực, Liên minh EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85.6% số dòng thuế, tương đương với 70.3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tiếp đó sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99.2% số dòng thuế, tương đương với 99.7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, các nội dung chính của EVFTA còn bao gồm các vấn đề về thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại và thủ tục hải quan, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý hợp tác và xây dựng năng lực (Lê Quan Thuận, 2019). Với các cam kết nêu trên, EVFTA được đánh giá và kỳ vọng sẽ có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam.

3 thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan - 3

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo

3 trở ngại, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, và hội nhập kinh tế quốc tế cũng sẽ đem lại các trở ngại và thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

- Thứ nhất, tuy sự cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế tăng cường khả năng sản xuất trong nước, nhưng lại là mối đe dọa với những doanh nghiệp nhỏ, có khả năng sản xuất thấp, cũng như mức độ hiệu quả chưa cao.

- Thứ hai, tính chất phức tạp và sâu rộng của các cam kết trong các Hiệp định tự do thế hệ mới sẽ khiến cho các doanh nghiệp Việt nam gặp khó khăn trong việc tiếp cân, cũng như tận dụng triệt để các cơ hội mà các hiệp định thế hệ mới đưa ra.

- Thứ ba, song song với việc các nước thành viên cam kết giảm thuế là cam kết giảm thuế quan nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” sẽ đồng nghĩa với việc tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuế nhập khẩu trên tổng thu ngân sách nhà nước sẽ có xu hướng giảm, gây ảnh hưởng đến các chi tiêu, tiêu dùng công cộng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, các FTA thế hệ mới cũng sẽ ảnh hưởng đến đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở những trường đại học chuyên đào tạo kinh tế, thương mại. Các nhà trường sẽ phải thay đổi cách đào tạo, cập nhật và cung cấp những diễn biến mới nhất của dòng chảy kinh tế quốc tế tới người học, giúp các em bổ sung vào hành trang của mình nhiều kiến thức thực tế.

Hồng Hạnh