1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

230 doanh nghiệp “lộ tẩy” chuyển giá bị xử lý

(Dân trí) - Năm 2013, ngành tài chính cũng đã phối hợp với cơ quan công an để thanh tra 120 doanh nghiệp, chuyển cơ quan công an hồ sơ của 54 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, khởi tố 34 doanh nghiệp và bắt 21 đối tượng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tăng trưởng kinh tế đã đi vào thế ổn định

Không xây sân Golf trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Henry Nguyễn Bảo Hoàng: Fan cuồng của Mcdonal’s

Năm 2014, thị trường vàng sẽ “u ám” hơn?

Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2013 đã có những bước khởi sắc quan trọng thể hiện dựa trên số liệu thành lập mới và số liệu doanh nghiệp ngừng nghỉ hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, trong khi số doanh nghiệp ngừng, nghỉ, giải thể, phá sản là 61.000 doanh nghiệp thì số doanh nghiệp được thành lập mới là 79.000 doanh nghiệp. 

Như vậy, với 18.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm trong năm 2013 đã nâng mức doanh nghiệp đang hoạt động lên con số 173.000 doanh nghiệp, qua đó có đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

“Điều đáng nói không chỉ nằm trong những con số khô khan đó, nếu chúng ta biết rằng, từ năm 2012 trở về trước, số doanh nghiệp khai lỗ là 70% và hoạt động có lãi chỉ có 30% doanh nghiệp thì đến năm 2013, con số doanh nghiệp khai có lãi đã tăng lên 34,6% tăng 4,6% so với năm trước” – Thứ trưởng cho biết.

Với 4,6% doanh nghiệp chuyển từ lỗ thành lãi đã giúp ngân sách tăng thêm 28.800 tỷ đồng. Đây được cho là một sự khởi sắc hết sức quan trọng và đáng ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp trong đóng góp vào NSNN. 

Bên cạnh đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà doanh nghiệp đã nộp vào NSNN là 91.000 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn đằng sau đó là số tích lũy của doanh nghiệp đạt trên 270.000 tỷ để thực hiện cho đầu tư và các bước phát triển tiếp theo.

Thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về thu lợi tức sau thuế sau khi doanh nghiệp được trừ đi các loại quỹ của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thu từ cổ tức từ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tại doanh nghiệp cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã thu thêm được 28.000 tỷ cho NSNN. 

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đây không chỉ là giải pháp tình thế mà thể hiện một xu hướng, một quy luật tất yếu đó là cần phải động viên vào NSNN phần vốn mà Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp, cũng như sự công bằng giữa khu vực DNNN và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Giãn, giảm thuế 28.000 tỷ đồng nuôi dưỡng nguồn thu

Trong năm 2013, Chính phủ đã thực hiện giãn, giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp, nâng mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập chịu thuế TNCN (từ 1,5 triệu lên 9 triệu đồng). 

“Đã có nhiều ý kiến cho rằng khả năng không hoàn thành nhiệm vụ thu vì việc thực hiện giãn, giảm này. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thì tổng số tiền thuế được giãn, giảm năm 2013 là 28.000 tỷ đồng và chúng tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân chính gây giảm thu, mà ngược lại là chính sách cần thiết để nuôi dưỡng nguồn thu sau này” – Thứ trưởng Tuấn nhận định.

Hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp luôn khiến cơ quan thuế đau đầu,
Hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp luôn khiến cơ quan thuế "đau đầu",

Ông cũng cho biết thêm, năm vừa rồi, song song với các biện pháp hỗ trợ trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nợ đọng thuế tập trung vào các doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu rủi ro. 

Qua thanh kiểm tra 54.000 doanh nghiệp đã xử lý thu về cho ngân sách 13.400 tỷ đồng. Đối với nhóm doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, xử lý trên 230 doanh nghiệp, đấu tranh giảm lỗ ở nhóm doanh nghiệp này thêm 4.600 tỷ và tăng thu thêm cho ngân sách 2.300 tỷ đồng. 

Trước đó, riêng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam giai đoạn 5 năm 2007-2012, qua thanh tra của ngành thuế trong 3 quý đầu năm đã cho thấy, đã có 122 doanh nghiệp tại 23 tỉnh, thành bị ngành thuế thanh tra đặc biệt do nghi án chuyển giá với tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp này đã buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng.

Qua đó, tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp này tăng lên là 2.599 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp FDI phải tăng thu nhập chịu thuế của kỳ tính thuế sau thời kỳ thanh tra, kiểm tra, tức từ năm 2013 trở đi là 839 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết, năm vừa rồi, ngành cũng đã đấu tranh để chống lại việc lợi dụng chính sách thông thoáng, tạo điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp để mua bán hóa đơn và trục lợi từ việc hoàn thuế GTGT. 

Trong năm cũng đã phối hợp với cơ quan công an để thanh tra 120 doanh nghiệp, chuyển cơ quan công an hồ sơ của 54 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, khởi tố 34 doanh nghiệp và bắt 21 đối tượng.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn lưu ý, từ 1/1/2014, doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng nhiều chính sách thuế TNDN, thay vì chịu mức thuế suất 25% chỉ phải chịu mức thuế suất 22% (riêng đối với doanh nghiệp có doanh thu năm trước liền kề 20 tỷ đồng trở xuống thì được ưu tiên áp dụng ngay mức thuế 20% kể từ ngày 1/7/2013). 

Cùng với đó, đối tượng doanh nghiệp này cũng sẽ tiếp tục được hưởng các chính sách liên quan về tín dụng, liên quan đến hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên phát triển hoặc những vùng kinh tế khó khăn.

Nếu doanh nghiệp tận dụng được những ưu đãi này từ Quốc hội, Chính phủ và ngành sẽ là cơ hội để ổn định sản xuất kinh doanh và các hướng phát triển trong tương lai, Thứ trưởng đánh giá.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong năm 2013, thu ngân sách của cơ quan thuế ước đạt 676.700 tỷ đồng, bằng 105% dự toán (tương ứng vượt 32.196 tỷ đồng) và bằng 112,7% so với thực hiện năm 2012.

Trong đó, thu dầu thô ước đạt 120.436 tỷ đồng, vượt 21,7% so với dự toán (tương ứng vượt 21.436 tỷ đồng), bằng 86% so với thực hiện năm 2012 và thu nội địa ước đạt 556.260 tỷ đồng, bằng 102% dự toán (tương ứng vượt 10.760 tỷ đồng), tăng 20,8% so với thực hiện năm 2012.

Có 47/63 địa phương đánh giá hoàn thành dự toán pháp lệnh (bao gồm cả thu dầu thô) là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lào Cai, Ninh Thuận, Cần Thơ, Trà Vinh... Tuy nhiên vẫn còn 16/63 địa phương không hoàn thành dự toán.

Theo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2014, tổng số thu cân đối NSNN là 782.700 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 1 triệu tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước