20 năm thị trường chứng khoán: “Nhiều lúc người ta đánh giá, đây là sòng bạc”

(Dân trí) - Đây là chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Việt Nam – ông Vũ Bằng về khó khăn trong suốt chặng đường 20 năm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán đã qua. Theo đó, thị trường chứng khoán đã có lúc không được xã hội chấp nhận, bị coi như một sòng bạc và bị né tránh.


Ông Vũ Bằng:Nhiều lúc người ta đánh giá Thị trường chứng khoán như sòng bạc. Ảnh minh hoạ: Bloomberg

Ông Vũ Bằng:"Nhiều lúc người ta đánh giá Thị trường chứng khoán như sòng bạc". Ảnh minh hoạ: Bloomberg

Chia sẻ về câu chuyện 20 năm hình thành thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tại một buổi gặp mặt báo chí cuối năm Bính Thân 2016, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, khó mà nói hết được về chặng đường dài 20 năm qua, bởi quá nhiều nội dung công việc, nhiều sự kiện và nhiều dấu ấn.

Ông Bằng kể, thời kỳ thành lập thị trường, mở thị trường rất khó khăn, không được xã hội chấp nhận. “Thậm chí nhiều lúc người ta đánh giá đây là sòng bạc, nhiều vấn đề bị né tránh vì rủi ro, nhiều lãnh đạo cũng né tránh khi đề cập đề thị trường chứng khoán”, Chủ tịch UBCKNN cho hay.

Do đó, khi đã tạo dựng được nền tảng thị trường như hôm nay, ông Vũ Bằng cho rằng, 20 năm tới, chắc chắn TTCK sẽ có những bước phát triển tốt hơn rất nhiều.

Quy mô thị trường được mở rộng nhờ hoạt động cổ phần hóa dồn dập gắn với yêu cầu niêm yết cổ phiếu, thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp phát triển với tốc độ cao. Vốn hóa thị trường này đã đạt 46% GDP, với tốc độ hồi phục kinh tế hiện nay thì đến năm 2020, chắc chắn sẽ thoát được khủng hoảng và bước sang chu kỳ tăng trưởng mới. Theo ông bằng, mục tiêu 70% GDP sẽ đạt được.

Cộng thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, tổng vốn hóa thị trường đến 2020 dự kiến đạt 110% GDP, tương đương với quy mô của thị trường ngân hàng. “Lúc đó, chúng ta nói năng sẽ có thể cao giọng hơn một chút”, ông Bằng hóm hỉnh.

Về cấu trúc thị trường, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến sản phẩm phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp… đều đã hình thành và tiếp cận các nghiệp vụ quốc tế. Trong quá trình nâng hạng thị trường sẽ còn có nhiều yếu tố phát triển. Cùng với đó, việc nới “room” đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc tái cấu trúc hệ thống công ty chứng khoán…

Chủ tịch UBCKNN lạc quan rằng, tương lai của TTCK Việt Nam sẽ sáng hơn bởi “những gì xấu nhất trong thời kỳ khủng hoảng đều đã qua rồi”. “Tôi tin tưởng thị trường sẽ còn phát triển hơn nữa”, ông Bằng bày tỏ.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện TTCK đã cung ứng 25% vốn cho nền kinh tế. Mức vốn hóa thị trường bao gồm cả trái phiếu và cổ phiếu năm 2016 tương đương với 74% GDP, tăng hơn 35% so với năm 2015.

Năm 2016, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã tăng đáng kể, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường đạt hơn 348 nghìn tỷ đồng (số liệu tạm tính tháng 11/2016), tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, thị trường trái phiếu chính phủ đã huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và đầu tư phát triển 312 nghìn tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Giao dịch trái phiếu chính phủ cũng có sự bứt phá với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 6,2 nghìn tỷ, tăng 72% so với năm 2015.

Trên thị trường cổ phiếu, tổng giá trị huy động đạt mức 36 nghìn tỷ, thanh khoản thị trường cải thiện mạnh với quy mô giao dịch cổ phiếu bình quân phiên trên 3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19% so với bình quân phiên năm 2015.

Bích Diệp