1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?

(Dân trí) - Cho rằng mặt bằng giá cổ phiếu Việt Nam không còn rẻ nhưng cũng chưa phải là đắt, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, diễn biến tăng điểm mạnh mẽ trên khiến P/E của chỉ số VN-Index tăng từ mức 8,7 lần giai đoạn đầu năm 2012 lên mức 15,9 lần cuối năm 2016, song so với các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Philippines thì P/E của VN-Index vẫn thấp hơn tương đối.

Đánh giá về những yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2017, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, năm nay, thị trường sẽ được hỗ trợ bởi nền kinh tế đang trong chu kỳ hồi phục, triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, khả năng mở room ngoại ở một số doanh nghiệp, ngành cụ thể. Đặc biệt, việc nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn cũng là yếu tố quan trọng tác động tích cực lên diễn biến thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo BVSC, TTCK năm 2017 cũng đối diện với một loạt rủi ro như bất ổn kinh tế Trung Quốc, tác động từ các chính sách của Mỹ, mức độ nới lỏng cung tiền có thể giảm nhẹ so với năm 2016...

BVSC cho rằng mặt bằng giá cổ phiếu của TTCK Việt Nam chưa phải là đắt.
BVSC cho rằng mặt bằng giá cổ phiếu của TTCK Việt Nam chưa phải là đắt.

BVSC cho rằng, mặt bằng giá cổ phiếu Việt Nam không còn rẻ nhưng cũng chưa phải là đắt. Chỉ số VN-Index nằm trong xu hướng hồi phục từ đầu năm 2012 cho đến hết năm 2016 với mức tăng 95% từ 365 điểm lên 665 điểm. Động lực tăng điểm của thị trường trong giai đoạn này được hỗ trợ bởi chu kỳ hồi phục của nền kinh tế cũng như sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khối các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn.

Diễn biến tăng điểm mạnh mẽ trên khiến hệ số giá trên thu nhập (P/E) của chỉ số VN-Index tăng từ mức 8,7 lần giai đoạn đầu năm 2012 lên mức 15,9 lần cuối năm 2016. Tương ứng, P/E của chỉ số VN-Index thuộc nhóm thấp nhất trong số các thị trường mới nổi trong khu vực giai đoạn đầu năm 2012, đã tăng lên top trên ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, nếu so với các thị trường đang phát triển như Thái Lan, Indonesia, Philippines thì P/E của VN-Index vẫn thấp hơn tương đối.

Theo BVSC, diễn biến trên khiến sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam giảm dần nếu chỉ nhìn trong top các thị trường mới nổi, đặc biệt đối với các quỹ ngoại. Có thể thấy từ năm 2012 đến nay giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HoSE giảm dần qua các năm và khối này đã chuyển sang bán ròng trong năm 2016.

Mặc dù vậy, với tiềm năng được nâng hạng trong tương lai không xa, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, BVSC cho rằng mặt bằng giá cổ phiếu của TTCK Việt Nam chưa phải là đắt. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong các năm trước khó có thể được duy trì trong năm 2017 nếu chưa có cơ sở mới tạo kỳ vọng cho câu chuyện nâng hạng.

Với bối cảnh tác động đan xen khá phức tạp của các yếu tố thuận lợi và rủi ro đã đề cập ở trên, BVSC xác định vùng điểm bình quân trong năm 2017 của VN-Index đạt 680 điểm ở kịch bản trung bình.

Tuy nhiên, theo BVSC, mức tăng của chỉ số không thể có nhiều đột biến do vẫn tồn tại những yếu tố rủi ro tác động đến thị trường như diễn biến tăng nhẹ của mặt bằng lãi suất, biến động tỷ giá, hay các rủi ro liên quan đến kinh tế Trung Quốc, chính sách của Mỹ...

Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ? - 2

Bích Diệp