150 khách hàng đã được vay từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng

(Dân trí) - Các ngân hàng đã cam kết cho vay 150 khách hàng cá nhân hơn 46 tỷ đồng trong gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Đây là thông tin đã công bố tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản sáng 9/8.

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, tính đến ngày 31/7/2013, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế với số tiền hơn 117 tỷ đồng và Công ty cổ phần thương mại địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại Tp HCM với số tiền là 540 tỷ đồng.

Đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 150 khách hàng cá nhân với số tiền hơn 46 tỷ đồng, đã giải ngân được 33,46 tỷ đồng cho 139 khách hàng. Hiên nay, các ngân hàng được giao thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay của cả doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân. Trong đó, riêng Vietinbank nhận được 160 hồ sơ, BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ…
 
Đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội trầm trọng (ảnh minh họa)
Đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội trầm trọng (ảnh minh họa)

Tại cuộc họp này, Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số khó khăn trong việc thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở. Trong đó, những vướng mắc về xác định đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn trong việc xác nhận điều kiện cư trú và thực trạng nhà ở đã được Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành và địa phương phối hợp giải quyết.

Tuy nhiên, khó khăn về nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng cũng đang là thách thức. Việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội rất chậm. Tại Hà Nội đến nay mới có 5 dự án được thành phố chấp thuận chủ trương cho phép, trong đó 2 dự án có quyết định chính thức. Thậm chí tại Tp Hồ Chí Minh còn chưa có quyết định chính thức cho phép chuyển đổi, điều chỉnh cơ cấu căn hộ 1 dự án nào.

Bên cạnh đó, việc xác định khả năng trả nợ của hộ gia đình, cá nhân cũng là một vấn đề không đơn giản. Khi tiến hành cho vay, các ngân hàng yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải chứng minh thu nhập để đảm bảo khả năng trả nợ, trong khi phần lớn hộ gia đình, cá nhân đều là các đối tượng có thu nhập thấp.

Ưu tiên nhà ở xã hội, giảm cung nhà ở thương mại

Trước tình hình đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, thay mặt Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đề xuất cho phép thực hiện các biện pháp nhằm giảm cung nhà ở thương mại.

Cụ thể là tạm dừng không triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang đạt dưới 30% diện tích của dự án tại tất cả các địa phương trên cả nước theo danh mục mà các địa phương đã báo cáo.

Đối với các địa phương có ít dự án, trong khi vẫn có nhu cầu cấp bách về nhà ở thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép tiếp tục triển khai; Lựa chọn một số trong các dự án này để chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động khu công nghiệp.

Trong giai đoạn trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tập trung ưu tiên cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội để người dân lựa chọn, ký hợp đồng.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Xây dựng thành lập tổ công tác để kiểm tra công tác thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở tại các ngân hàng thương mại, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong thực tế và đôn đốc các ngân hang chậm hoặc không tích cực triển khai gói tín dụng này.

Lan Hương