Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Tiền đang chảy vào túi ai?

(Dân trí) - Bộ Xây dựng cho biết mới chỉ giải ngân 11 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà do nhà xã hội khan hiếm, trong khi đó số tiền giải nhân cho doanh nghiệp đã lên tới hàng trăm tỷ đồng...

Đáng chú ý, trong cơ cấu gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ theo Nghị quyết 02 của Chính phủ thì 30% sẽ dành cho doanh nghiệp và 70% dành cho người mua nhà. Tuy nhiên, qua gần hai tháng triển khai thì biên độ chênh lệch đang đảo chiều so với quy định, mà phần ưu thế tuyệt đối đang nghiêng về phía doanh nghiệp.
 
Qua hai tháng, các doanh nghiệp địa ốc đang chiếm ưu thể tuyệt đối phần giải ngân gói 30 nghìn tỷ
Qua hai tháng, các doanh nghiệp địa ốc đang chiếm ưu thể tuyệt đối phần giải ngân gói 30 nghìn tỷ
 
Giải ngân: Doanh nghiệp chiếm ưu thế tuyệt đối
 
Trong báo cáo gửi Chính phủ, bộ Xây dựng cho biết về tình hình giải ngân gói 30 nghìn tỷ. Cụ thể, về phía doanh nghiệp, ngày 20/6/2013, NHNN đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 02 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền là 117 tỷ đồng và Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh với số tiền là 540 tỷ đồng. Ngoài ra, trong gói 30 nghìn tỷ đã giải ngân cho Công ty cổ phần Vicoland với số tiền là 34 tỷ đồng.

Trong khi đó, cũng theo báo cáo này tính đến trung tuần tháng 7/2013, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng. Mặc dù số tiền giải ngân tương đối khiêm tốn nhưng trong báo cáo cũng cho hay “chỉ tính riêng hai ngân hàng  Vietcombank và BIDV đã nhận tới hàng trăm hồ sơ của người dân xin vay vốn. Cụ thể,  Vietinbank nhận được 160 hồ sơ, BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ”.

Nói rõ hơn về lo ngại gói 30.000 tỷ đồng chỉ tập trung ưu tiên đối với các doanh nghiệp mà ít quan tâm tới nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, cá nhân, bộ Xây dựng nói rằng: Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân được vay vốn phải bảo đảm điều kiện có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã ký với chủ đầu tư sau ngày 07/01/2013 (là thời điểm Nghị quyết 02/NQ-CP có hiệu lực thi hành)

 “Do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm”, bộ Xây dựng giải thích lý do người mua khó tiếp cận gói 30 nghìn tỷ vì khan hiếm nhà xã hội.

Không “ưu ái” doanh nghiệp nào

Ngoài ra, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận có ý kiến lo ngại về việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ thì ưu ái doanh nghiệp trong ngành xây dựng “thuộc bộ Xây dựng, doanh nghiệp phía Bắc”.

Tuy nhiên, bộ Xây dựng khẳng định: “không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác thuộc các thành phần kinh tế, cũng như không có sự phân biệt khác nhau giữa các địa phương theo vùng miền”.
 
Trong số 30 dự án mà Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét để cho vay thì chỉ có 04 dự án của doanh nghiệp nhà nước (chiếm 13%), 04 doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối (chiếm 13%), còn lại là 22 dự án của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (chiếm 74%).

Trong đó, bộ Xây dựng cho biết cụ thể thành phố Hồ Chí Minh có 05 dự án, thành phố Đà Nẵng 06 dự án, thành phố Hà Nội có 04 dự án, tỉnh Đồng Nai có 03 dự án, các địa phương còn lại (Thừa Thiên- Huế, Kiên Giang...) chỉ có 01 dự án.

Thông Chí