1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

10,5 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế: Đừng bắt đầu với câu hỏi "Tiền ở đâu?"

(Dân trí) - Thực tế chỉ ra, có nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu bằng vấn đề đã có tiền nhưng sau đó phá sản, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh quan điểm: "Con đường ở đây phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu không bắt đầu từ câu hỏi tiền ở đâu, mà là câu hỏi thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người đâu, tiền đâu và đất đâu".

Trong khi dư luận vẫn còn bày tỏ băn khoăn về con số 10,5 triệu tỷ đồng nguồn lực cần có để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 thì phát biểu giải trình của ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 3/11 đã được rất nhiều người chờ đợi.

Bản giải trình của ông Dũng rất dài, gấp đôi thời lượng chủ tọa đặt ra. Ông Dũng nhấn mạnh, bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế là một quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế với một quy mô lớn hơn và với một tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Quochoi.vn)

Lấy đâu ra nguồn lực 10,5 triệu tỷ đồng?

Đi vào câu hỏi "nóng" nhất hiện nay đó là "lấy đâu ra nguồn lực 10,5 triệu tỷ đồng?", ông Dũng phân tích: Nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế ở đây không phải là một nguồn lực riêng mà đặt trong tổng thể khuôn khổ nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 6,5 đến 7%. Trong đó nguồn lực từ ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.

"Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm được tính trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP, hệ số ICOR, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP. Theo đó để tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 đến 7% với hệ số ICOR dự kiến là 5 đến 5,5% thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32 đến 34% GDP, tương đương 9 đến 10 triệu tỷ đồng. Trong đó năm 2016 thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1,5 triệu tỷ đồng và kế hoạch năm 2017 dự kiến là 1,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, đạt mục tiêu phấn đấu khoảng 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn", vị Bộ trưởng giải thích.

Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế dự kiến cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn Nhà nước, trong đó ngân sách Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, nhất là đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước. Vốn Nhà nước dự kiến sẽ giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31% đến 34% trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, vốn của khu vực tư nhân trong nước dự kiến sẽ tăng từ 38,3% đến 45%, 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý rằng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ mà điều quan trọng phải sử dụng hiệu quả nguồn lực mà trước hết là nguồn lực của Nhà nước.

Huy động thêm nguồn lực là cần thiết nhưng mục tiêu của kế hoạch không quá tập trung vào việc làm thế nào để huy động thêm nhiều nguồn lực hơn mà cần tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả của đầu tư. Từ đó sẽ tạo ra những cơ hội cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, ĐBQH tỉnh Trà Vinh (ảnh: Quochoi.vn)
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, ĐBQH tỉnh Trà Vinh (ảnh: Quochoi.vn)

Lãnh đạo phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ

"Nếu chúng ta làm tốt tái cơ cấu thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể còn tăng cao hơn mục tiêu của chúng ta đề ra. Còn nếu chúng ta làm không tốt tái cơ cấu nền kinh tế thì thậm chí mục tiêu thấp hơn cũng sẽ không đạt được", ông nói.

Vị Bộ trưởng bày tỏ lo ngại, khi những giải pháp quyết liệt có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, do đó có nguy cơ tái cơ cấu bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, thiếu quyết liệt, không thực chất rất lớn, làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung.

Cho rằng cần phải đổi mới tư duy để thực hiện tái cơ cấu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị lãnh đạo các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, thiếu khát vọng, e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn, thách thức để tận dụng cơ hội, thậm chí biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn.

Bên cạnh đó, phải vượt qua được lợi ích cục bộ của từng ngành, từng địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương một cách hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ và chia cắt. Có vậy thực hiện mới thành công tái cơ cấu và nâng cao được chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn tới mà cụ thể là mức tăng trưởng 6,7% năm 2017 là tham vọng, nếu không đạt được có thể ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác như nợ công, bội chi, ông Dũng nói:

"Nếu chúng ta không đặt mục tiêu cao, thậm chí là tham vọng thì chúng ta không thể có động lực và sự thúc ép để thực hiện tái cơ cấu nhanh, quyết liệt được. Từ đó làm cho kinh tế đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn, đó là nợ công, bội chi và tụt hậu. Cũng như không thể đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc".

Cũng góp phần tham luận về vấn đề tái cơ cấu, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm: "Con đường ở đây phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu không bắt đầu từ câu hỏi tiền ở đâu, mà là câu hỏi thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người đâu, tiền đâu và đất đâu".

Bởi thực tế chỉ ra, có nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu bằng vấn đề đã có tiền nhưng sau đó phá sản. Ví dụ như dự án Gang thép Thái Nguyên, không phải thiếu vốn, vốn ban đầu 3.600 tỷ đồng, sau nâng lên gần 8.000 tỷ đồng nhưng rồi vẫn không hoạt động.

Nhiệm vụ ưu tiên của tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm:

- Đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng các biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.

- Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất, theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt.

- Tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực Nhà nước, trước hết là doanh nghiệp Nhà nước.

- Hoàn thiện thể chế đầu tư công, thực hiện nghiêm Luật ngân sách Nhà nước.

- Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách Nhà nước, tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung ứng dịch vụ công.

- Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm