1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

100% xã đạt tiêu chí số 4: Áp lực nguồn vốn

Áp lực đang “đè” nặng lên vai ngành Điện nhằm đảm bảo mục tiêu từ nay đến năm 2020 phải nâng tỷ lệ từ 70% lên 100% số xã trên cả nước đạt tiêu chí số 4 về điện trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Áo mới” nông thôn

Đến cuối năm 2015, cả nước đã có 99,8% số xã và 98,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015). Trong đó, 6.165 xã hoàn thành tiêu chí về điện trong xây dựng xây dựng nông thôn mới (NTM), chiếm 68,6% số xã trong cả nước.

Từ chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn, người dân nông thôn có điều kiện áp dụng thành tựu KHCN, thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Văn Mẫm - Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nếu như trước năm 2012, xã Lịch Hội Thượng mới có khoảng 88% số hộ dân được sử dụng điện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 20% thì đến cuối năm 2015, con số này tương ứng đạt 98% và 6,12%. Điện lưới quốc gia không chỉ giúp Lịch Hội Thượng được công nhận đạt chuẩn NTM mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Trần Thanh Nam đã khẳng định, EVN đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn trong cả nước, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục hiện đại hóa lưới điện - vướng vốn đầu tư

Ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg với mục tiêu đến năm 2020, 100% xã trên cả nước phải đạt tiêu chí số 4 về điện theo Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, EVN có trách nhiệm thực hiện đầu tư hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và đạt tỷ lệ số hộ dân được sử dụng thường xuyên, an toàn.


Điện lưới quốc gia giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế - Ảnh: Thành An

Điện lưới quốc gia giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế - Ảnh: Thành An

Khó khăn lớn nhất đặt ra lúc này là tìm nguồn vốn đầu tư. Theo ông Đỗ Văn Hờn – Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước, mặc dù đã có quy định “Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho đơn vị điện lực hoạt động tại khu vực mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế” (Điều 61 Luật Điện lực), song trên thực tế thời gian qua, ngân sách Trung ương và địa phương đều rất hạn chế. Ví dụ, Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 – 2020 có tổng mức đầu tư gần 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thu xếp được gần 40 tỷ đồng, quá ít so với mức tổng mức đầu tư của cả Dự án.

Theo kế hoạch đến năm 2015, EVN phải hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Tuy nhiên, vì lý do lợi ích nhóm, đến nay nhiều địa phương và tổ chức không muốn bàn giao, gây khó khăn cho việc hoàn thành tiêu chí số 4 về điện. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội, hiện nay còn khoảng 87 tổ chức kinh doanh điện thực hiện quản lý phân phối và bán lẻ điện trực tiếp đến các hộ dân. Ngay cả ở những xã đã tiếp nhận, ngành Điện cũng không thể thu xếp ngay vốn để cải tạo, nâng cấp toàn bộ kết cấu hạ tầng điện.

Bên cạnh đó, Dự án đầu tư lưới điện trung áp nông thôn đồng bộ lưới điện hạ áp (được đầu tư từ Dự án RE2) không đảm bảo tiến độ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác lưới điện hạ áp nông thôn. Việc hoàn trả vốn, thu hồi nợ vốn vay của các dự án RE2 đến năm 2025 cũng còn nhiều vướng mắc.

Một khó khăn nữa EVN cũng đang tìm cách giải quyết đó là tiến độ thực hiện các dự án điện nông thôn. Bên cạnh những khó khăn về địa hình, giao thông, thời tiết khắc nghiệt thì việc đền bù giải phóng mặt bằng ở hầu hết các địa phương cũng là nguyên nhân khiến tiến độ các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.

Vì vậy, để hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng NTM, từ nay đến 2020, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa UBND các tỉnh, thành phố trong việc bố trí nguồn vốn, tạo cơ chế ưu đãi, khuyến khích huy động mọi nguồn lực xã hội; giải quyết những khó khăn đã tồn tại từ rất lâu trong việc bàn giao toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện; đồng thời sớm phê duyệt kế hoạch giải phóng mặt bằng cho các dự án điện nông thôn, miền núi; tổ chức tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân và cộng đồng xã hội về lợi ích từ xây dựng NTM.

Vũ Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm