100 triệu dân "giải cứu" hàng Việt sau đại dịch Covid-19

Quy mô dân số 97 triệu người, tuy bị dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng giảm nhưng thị trường nội địa Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Khai thác tốt thị trường nội địa sẽ giúp các DN vượt qua khó khăn.

Kết nối tìm cơ hội

Đại dịch Covid-19 đang làm các DN chịu ảnh hưởng nặng nề. Số liệu khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy, trên 80% được hỏi cho biết doanh thu của họ năm nay sẽ suy giảm mạnh. Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, số DN có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm khoảng 60% và doanh thu giảm từ 20-50% chiếm khoảng 29%. Các DN đang phải xoay sở để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu doanh thu giảm kéo dài, chắc chắn sẽ không thể bù đắp cho chi phí hoạt động.

Đứng trước tình hình này, ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng cần thúc đẩy sự liên kết giữa các DN để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, khai thác hết tiềm năng của thị trường nội địa.

Thị trường nội địa Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn, với quy mô dân số 97 triệu người, trong đó có tới 60% là dân số trẻ. Trong thời điểm dịch bệnh, dù nhu cầu tiêu dùng giảm nhưng vẫn rất tiềm năng.

100 triệu dân giải cứu hàng Việt sau đại dịch Covid-19 - 1

Sức mua của 97 triệu dân thị trường trong nước giúp các DN tiêu thụ lượng lớn hàng hóa (ảnh Quang Phúc)

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý 1/2020 hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra kém sôi động, người tiêu dùng hạn chế mua sắm, đi du lịch và ăn uống bên ngoài, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vì vậy, việc khai thác tốt thị trường nội địa sẽ giúp các DN vượt qua khó khăn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xác định thị trường nội địa là nơi có thể giúp DN đứng vững trong khó khăn. Vì vậy, thời điểm này rất cần tạo ra mối kiến liên kết giữa các DN, các địa phương để giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Một ví dụ cụ thể là thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tỉnh Bình Thuận, Long An,... đã tồn đọng số lượng lớn thanh long, dưa hấu do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, kết nối các DN bán lẻ lớn trong nước với địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ. Kết quả cho thấy năng lực tiêu thụ lớn trong hệ thống, giúp người nông dân bán được sản phẩm, tránh bị mất khả năng sản xuất. Như vậy, có thể thấy sức mua của thị trường trong nước là rất lớn, ông Lộc nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao, đề nghị Chính phủ cần thúc đẩy, kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các DN đang hết sức khó khăn khi hàng tồn kho cao vì không bán được do dịch bệnh, chúng ta càng phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đến nay, tất cả địa phương trên cả nước đều có các chương trình do Sở Công Thương, Sở NN-PTNT địa phương đứng ra làm đầu mối, kết nối các DN trên địa bàn với các tỉnh thành khác để cùng nhau tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng cho hay, do tác động của dịch Covid-19, doanh thu của các DN hội viên sụt giảm đáng kể. Do vậy, Hiệp hội đã kêu gọi các DN ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm của nhau với mức giá ưu đãi. Tất cả các DN đều tích cực tham gia, nhờ đó khó khăn đã giảm bớt.

Đòn bẩy thị trường nội địa

Không thể phủ nhận những giá trị kinh tế to lớn của xuất khẩu nhưng trước những biến động khôn lường trong giao thương hàng hóa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một lần nữa chứng tỏ việc tập trung quá nhiều vào thị trường xuất khẩu luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Chính vì vậy, cần ưu tiên thị trường trong nước.

100 triệu dân giải cứu hàng Việt sau đại dịch Covid-19 - 2

Tiêu dùng nội địa chính là đòn bẩy cho tăng trưởng GDP (ảnh Quang Phúc).

Bà Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (Quảng Bình), chia sẻ: “Nhờ được hỗ trợ tham gia hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước, các sản phẩm của HTX đã được nhiều doanh nghiệp, khách hàng quan tâm, tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại. Các sản phẩm hải sản sấy khô, đóng gói của chúng tôi được tiêu thụ tốt không chỉ tại địa bàn tỉnh mà cả các tỉnh phía Bắc”.

Ngày càng có nhiều các chương trình lớn được khởi xướng không chỉ từ các cơ quan chức năng hay hiệp hội ngành nghề... mà của chính các DN. Nhóm Quản trị và Khởi nghiệp, kết hợp với đối tác vận hành Vinalink vừa tổ chức chương trình quảng bá 1.000 thương hiệu tới 1 triệu khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Các DN tham gia sẽ chuẩn bị các sản phẩm chất lượng với mức khuyến mại hấp dẫn nhất, đóng gói lại thành các gói ưu đãi gửi tới khách hàng dưới dạng tạp chí điện tử để khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Ngân hàng SHB cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra cho khách hàng là các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua việc cung cấp các thông tin thị trường và những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước dành; tư vấn miễn phí tài chính và tái cấu trúc DN để vượt qua khó khăn.

Các DN cũng kiến nghị, Chính phủ cần công bố danh mục các mặt hàng thiết yếu để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa ngay cả trong trường hợp cách ly chặt như hiện nay. Việc không thanh, kiểm tra DN trong thời điểm này cũng cần thực hiện triệt để. Các ngân hàng thương mại không thu phí dịch vụ với các khoản giao dịch nhỏ và giảm lãi suất cho vay từ 1,5% đến 2,5% trong thời gian dịch bệnh để giúp DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. 

Về phía các DN, để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm giá và tăng ưu đãi cho khách hàng, có như vậy mới đem lại hiệu quả, bà Kim Hạnh nhấn mạnh.

Giới chuyên môn cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào 3 trụ cột quan trọng là xuất nhập khẩu, đầu tư hạ tầng và tiêu dùng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, xuất nhập khẩu giảm mạnh, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng còn hạn chế thì cần phát huy “nền tảng” tiêu dùng nội địa. Đây chính là đòn bẩy cho tăng trưởng GDP. Nếu kích thích tiêu dùng nội địa tăng thêm 1%, nền kinh tế sẽ có thêm 38.000 tỷ đồng, sẽ là đóng góp quan trọng vào GDP - chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích.

Theo Trần Thuỷ

VietnamNet