10 nước có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới
(Dân trí) - Theo kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Đại học kinh doanh IMD (Thuỵ Sĩ), Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới, nhưng vị trí này đang bị đe doạ bởi Singapore.
Theo khảo sát thường niên của IMD, các nền kinh tế châu Á đang vượt Mỹ và Bắc Âu để trở thành các nước/vùng kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới.
Cuốn Năng lực cạnh tranh thế giới ấn bản năm thứ 20 (20th World Competitiveness Yearbook), phát hành ngày 15/5 vừa qua, đã khẳng định vị trí số 1 của Mỹ năm thứ 15 liên tiếp. Tuy nhiên, tác giả của báo cáo này, giáo sư Stéphane Garelli của Đại học IMD, dự đoán Singapore sẽ soán ngôi Mỹ vào năm tới. IMD là một trong những trường kinh doanh hàng đầu của châu Âu.
Các nước/vùng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã “lên điểm” mạnh so với năm ngoái. Cụ thể, Malaysia tăng 4 bậc lên vị trí thứ 19; Đài Loan và Úc cùng tăng 5 bậc lên đứng thứ 13 và 7; Thái Lan tăng 6 bậc lên thứ 27; và Philippines tăng 5 bậc lên vị trí thứ 40.
IMD đưa ra bảng xếp hạng này dựa trên hơn 300 tiêu chí, từ tốc độ tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp đến số người sử dụng Internet và giá cước điện thoại di động nội hạt. 2/3 số liệu sử dụng làm căn cứ xếp hạng lấy từ các nguồn có uy tín và khá cập nhật như Ngân hàng thế giới và Liên hợp quốc; còn lại từ gần 4.000 bản thăm dò ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp mỗi nước về mức độ sẵn có của lực lượng lao động có trình độ, hệ thống quy định pháp luật, mức độ sẵn có của nguồn vốn kinh doanh và nhiều yếu tố định lượng khác.
10 vị trí dẫn đầu ít thay đổi so với năm ngoái. Ai-xơ-len, nước đứng thứ 7 năm 2007, đã bị loại hoàn toàn khỏi bảng xếp hạng năm nay, do những bất ổn về kinh tế tài chính . Trong khi đó, Canađa tăng 2 bậc lên vị trí thứ 8, còn Hà Lan giảm 2 bậc xuống đứng thứ 10.
Hoạt động đầu tư và kinh doanh diễn ra sôi nổi giữa các nước châu Á khiến khu vực này ngày càng thu hút sự chú ý của giới kinh doanh quốc tế. Giáo sư Garelli cho rằng các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và Kazakhstan sẽ sớm có tên trong danh sách xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của IMD.
Bảng xếp hạng thường niên của IMD sử dụng phương pháp và dữ liệu khác, nhưng cho kết quả khá giống với danh sách xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Danh sách do WEF công bố hồi tháng 11/2007 cũng xếp Mỹ ở vị trí dẫn đầu, theo sau là nhiều nước châu Âu.
Dưới đây là vài nét về 10 nước có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới, theo xếp hạng của IMD năm 2008:
1- Mỹ
GDP bình quân đầu người: 43.987 USD
Tăng trưởng GDP: 2,2%
Mỹ đã liên tiếp đứng đầu danh sách này từ năm 1994 đến nay. Tuy nhiên, năm nay, Singapore cách Mỹ chưa đến 7/10 điểm. Trong khi đó, đầu tàu kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính và nhà đất.
2- Singapore
GDP bình quân đầu người: 47.052 USD
Tăng trưởng GDP: 7,7%
Theo xếp hạng của IMD về năng lực cạnh tranh quốc gia, Singapore đứng thứ 2 thế giới, nhưng dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ, tỷ lệ thất nghiệp thấp (2,1%), và không có nợ nước ngoài là những điểm cơ bản khiến Singapore trở thành một trong những nền kinh tế lành mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao và ngày một tăng, cùng với tình trạng thiếu giáo viên tiểu học và trung học là nhược điểm của đảo quốc này.
3- Hồng Kông
GDP bình quân đầu người: 41.110 USD
Tăng trưởng GDP: 6,3%
Hoạt động đầu tư và kinh doanh phát triển mạnh mẽ là thế mạnh của nền kinh tế Hồng Kông, còn điểm yếu là chi phí sinh hoạt và giá cả cao.
4- Thuỵ Sĩ
GDP bình quân đầu người: 38.131 USD
Tăng trưởng GDP: 3,1%
Năm nay Thuỵ Sĩ đã tăng 2 bậc so với năm ngoái về năng lực cạnh tranh và 10 bậc so với năm 2004. Đây là nước có tỷ lệ thặng dư tài khoản vãng lãi lớn thứ 3 thế giới (16,8% GDP), tỷ lệ thất nghiệp thấp (3,6%), và chất lượng cuộc sống cao nhất trong các nền kinh tế được khảo sát. Thuỵ sĩ đứng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính và khả năng ngôn ngữ, đứng đầu về xếp hạng tín dụng, và đứng thứ hai về chi tiêu cho y tế. Điểm yếu của Thuỵ Sĩ là sức mua thấp, phí sinh hoạt cao.
5- Luxembourg
GDP bình quân đầu người: 77.187 USD
Tăng trưởng GDP: 5,2%
Luxembourg nằm giữa Pháp, Bỉ và Đức, được biết đến với thế mạnh về hệ thống tài chính và luật pháp. Điểm mạnh của nước này là tỷ lệ người tốt nghiệp đại học/cao đẳng cao (37% trong độ tuổi 25-34), tỷ lệ học sinh-giáo viên cao (9:1 ở bậc trung học), và số người sử dụng Internet cao (75% dân số). Điểm yếu của Luxembourg là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người chưa cao, cơ cấu kinh tế kém đa dạng và ít vốn đầu tư cho ngành viễn thông.
6- Đan Mạch
GDP bình quân đầu người: 36.265 USD
Tăng trưởng GDP: 1,8%
Đan Mạch là nước có nền giáo dục phát triển, tỷ lệ đăng ký sử dụng Internet băng thông rộng cao, chế độ lao động có nhiều ưu đãi… Để tăng năng lực cạnh tranh, nước này cần tăng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), dịch vụ công cộng và khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.
7- Úc
GDP bình quân đầu người: 36.460 USD
Tăng trưởng GDP: 4,1%
Năm nay, Úc “nhảy” 5 bậc lên vị trí thứ 7, và chỉ đứng sau Mỹ về năng lực cạnh tranh trong số những nước có dân số trên 20 triệu người, một phần nhờ khả năng hồi phục kinh tế, thủ tục thành lập doanh nghiệp đơn giản và lượng sinh viên nước ngoài tăng cao.
8- Canađa
GDP bình quân đầu người: 37.383 USD
Tăng trưởng GDP: 2,7%
Canađa đang trên đường trở lại vị trí thứ 3 của năm 2004. Năm nay nước này đứng thứ 2 sau Úc về thời gian cần thiết để thành lập một doanh nghiệp, nhưng đứng đầu về cước phí điện thoại di động và số lượng bằng đại học/cao đẳng (54% số người trong độ tuổi 25-34).
9- Thuỵ Điển
GDP bình quân đầu người: 34.703 USD
Tăng trưởng GDP: 2,6%
Đây là quê hương của những tên tuổi lừng danh như Ericsson, Ikea, H&M, và Volvo. Thế mạnh của đất nước Bắc Âu này là bình quân số máy tính trên đầu người và số người sử dụng Internet. Kế đến là tỷ lệ học sinh trung học, tính hiệu quả của doanh nghiệp quy mô lớn và kinh phí cho hoạt động R&D. Thuỵ Điển có những điểm yếu về năng lực cạnh tranh quốc gia như chính sách tài chính, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp và chi phí sinh hoạt.
10- Hà Lan
GDP bình quân đầu người: 37.743 USD
Tăng trưởng GDP: 3,5%
Năm nay, Hà Lan đã tụt 2 bậc, nhưng vẫn cao hơn thứ hạng cách đây 4 năm 5 bậc. Điểm yếu của nước này nằm ở chế độ lương thưởng, môi trường doanh nghiệp và chính sách tài chính. Điểm mạnh là lương hưu, thị trường việc làm, thị trường vốn, số người sử dụng Internet băng thông rộng và khả năng thu hút và giữ chân nhân tài.
Đặng Lê
Theo Business Week