Trở về cùng tiếng kèn saxophone

Tại Liên hoan âm nhạc châu Âu 2015, có một người được khán giả đặc biệt chú ý ngay khi nhìn thấy tên trong ấn phẩm giới thiệu về các ban nhạc tham gia: nghệ sĩ saxophone người Pháp gốc Việt Antonin Tri Hoang.

Trở về cùng tiếng kèn saxophone - 1

Antonin Tri Hoang trong buổi soundcheck chuẩn bị cho đêm diễn tại Hà Nội.

Cùng nhạc jazz đi khắp muôn nơi

Nếu không xuất hiện với chiếc kèn saxophone, nhiều người sẽ lầm tưởng Antonin là một sinh viên đại học. Tại buổi thử nhạc trước đêm diễn tại Hà Nội, không giống như những đồng nghiệp tất bật chuẩn bị loa, micro, amply, kiểm tra nhạc cụ, chàng trai sinh năm 1989 này cứ lững thững đi ra, đi vào sân khấu. Anh chỉ mất vài phút để kiểm tra tiếng kèn từ micro rồi lại xuống ngồi hàng ghế khán giả nhìn ngắm các đồng nghiệp. Có lẽ chất đủng đỉnh, ngẫu hứng nhạc Jazz đã thấm sâu vào bên trong con người của anh.

Antonin Tri Hoang sinh ra tại Paris. Cha dượng anh là một tay guitar nhạc rock. "Cuộc sống của một nghệ sĩ luôn ngập tràn tiếng cười. Niềm đam mê của họ đem lại hạnh phúc cho người khác và cả thu nhập nữa. Vì thế, ngay từ khi còn bé, tôi đã muốn có một cuộc sống như vậy", Antonin chia sẻ.

Năm lên chín tuổi, anh bắt đầu làm quen với âm nhạc bằng chiếc kèn clarinet. Sau đó, anh chuyển sang tập đàn piano và kèn saxophone. Antonin thừa nhận, anh rất may mắn khi sống trong một gia đình nghệ thuật (mẹ anh là họa sĩ) và được mọi người ủng hộ việc theo đuổi niềm đam mê nhạc Jazz.

Trở về cùng tiếng kèn saxophone - 2

Dự án kết hợp với Paceo đã mang đến cho Antonin cơ hội quay lại Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Paris, Antonin cùng một vài người bạn thành lập nhóm nhạc Novembre và tứ tấu clarinet WATT. Năm 2011, nghệ sĩ saxophone này cho ra mắt album nhạc jazz đầu tay Aeroplanes. Antonin tự nhận rằng, âm nhạc của anh bị ảnh hưởng bởi tình yêu, những chuyến đi và các cuộc trò chuyện, giao lưu... Vì thế, chàng trai này luôn muốn lên đường để gặp gỡ mọi người, tìm cảm hứng sáng tác. Anh chia sẻ: "Được "hầu chuyện" huyền thoại người Mỹ Archie Shepp, lái xe vòng quanh châu Âu trong suốt một tháng, trò chuyện cùng một ông lão chơi saxophone ven đường ở Bắc Kinh..., nhạc jazz không chỉ cho tôi cơ hội đến nhiều vùng đất trên thế giới mà còn đem đến những trải nghiệm vô giá trong đời".

Tháng Mười Một vừa qua, Antonin đã cùng với tay trống nữ Anne Paceo thực hiện chuyến lưu diễn các nước Đông Nam Á nhằm quảng bá cho album Yokai. "Trước chuyến lưu diễn, chúng tôi hầu như luyện tập rất ít. Tất cả đều đề cao sự kết hợp ngẫu hứng của các thành viên trong ban nhạc", nghệ sĩ saxophone này chia sẻ.

Sự kết hợp với Paceo cũng đã đem đến cho Antonin cơ hội được trở về Việt Nam - quê nội của anh.

Hạnh phúc được biểu diễn ở quê nhà

Khi còn nhỏ, Antonin thường được ông nội kể những câu chuyện cổ tích và phong tục của quê hương Việt Nam. "Ông tôi là một người “hoài cổ”. Ông đã gần 100 tuổi nhưng mỗi khi có dịp, ông vẫn dành nhiều giờ để kể cho tôi về cuộc sống ở Việt Nam. Bố tôi cũng là người rất yêu văn hóa quê hương nhưng tiếc là ông ấy không nói được tiếng Việt".

Cách đây đúng một thập kỷ, Antonin lần đầu tiên cùng gia đình về thăm quê hương. Trong chuyến đi kéo dài mười ngày, anh đã tham quan các thành phố lớn từ Bắc vào Nam. Chính vì thế, chứng kiến sự thay đổi của Việt Nam trong lần trở lại này, anh cảm thấy vô cùng bất ngờ: "Kể từ lần cuối cùng đến đây, tôi nhận thấy đất nước đã thay đổi chóng mặt, đặc biệt là số lượng xe hơi chạy trên đường. Tuy nhiên, những điều cốt yếu trong văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên. Những con phố, những người dân vui tính, những món ăn ngon... làm tôi yêu nơi này".

Trong khuôn khổ Liên hoan âm nhạc châu Âu tại Việt Nam, Antonin Tri Hoang và các thành viên trong ban nhạc đã có hai buổi trình diễn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Dù cho jazz là một dòng nhạc vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng khán phòng của cả hai đêm diễn đều không còn một chỗ trống. Cuối buổi diễn, khán giả đã dành cho các nghệ sĩ những tràng pháo tay không ngớt. Nhiều người còn lên hẳn sân khấu để ôm hôn chúc mừng và trao đổi với Antonin cùng các thành viên trong ban nhạc.

Trong những ngày ở thành phố mang tên Bác, anh đã có dịp được gặp lại hai người chú và được họ dẫn đi thăm Thành phố. Khi được hỏi về kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong chuyến lưu diễn Đông Nam Á lần này, Antonin khẳng định, đó là những giây phút được chơi nhạc trên sân khấu, trước sự chứng kiến của những người họ hàng tại Việt Nam.

"Nhìn vẻ mặt của hai chú trong buổi trình diễn, tôi đoán họ rất hạnh phúc và tự hào khi được tận mắt chứng kiến cháu mình chơi nhạc", anh nói.

Theo Thu - Hoàng

Thế giới và Việt Nam