Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình!- tiếng lòng của người con đất Việt

Câu chuyện về sự ra đời của một bài thơ sau đó được phổ nhạc, làm lay động hàng triệu trái tim Việt, của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.

LTS: Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai năm 1973 tại Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu. Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ viết văn của Đại học Lancaster (Anh), chị được nhận học bổng Tiến sĩ. Hiện chị đang học và làm việc cho trường đại học Lancaster.

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình!” là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Phan Quế Mai được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thành ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" lay động hàng triệu trái tim người Việt.

Dưới đây là câu chuyện của Nguyễn Phan Quế Mai về sự ra đời của bài thơ, sau đó là ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình".

Bầu trời đêm thành phố Manila, Philippines đang buông một bức màn tối thẫm. Chợt chuông điện thoại vang lên. Từ bên kia đại dương, giọng Cha tôi đầu dây, thật ấm và gần, khiến cả không gian quanh tôi bừng sáng.

toi dang nghe to quoc goi ten minh!- tieng long cua nguoi con dat viet hinh 0

Nguyễn Phan Quế Mai cùng các em nhỏ ký tên lên lá cờ Tổ Quốc tại buổi ra mắt tập thơ "Tôi đang nghe Tổ Quốc gọi tên mình".

“Cha đang nghe Bài hát Tổ quốc gọi tên mình trên VTV. Xúc động quá con ạ.” Giọng cha rưng rưng. Tôi ngạc nhiên vì chưa khi nào Cha gọi điện cho tôi đột ngột như thế. Rồi khi giọng hát hào hùng của Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ ùa đến từ đầu dây bên kia, tôi hiểu tại sao Cha muốn sẻ chia những gì Cha đang cảm thấy cùng con gái của mình “Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây…”

Ngày hôm đó, thử vào mạng internet và tìm tên bài hát, tôi ngạc nhiên khi được chứng kiến sự lan tỏa của nhạc phẩm này. Đã có hàng trăm bài viết, hàng trăm video clip quay phần biểu diễn “Tổ quốc gọi tên mình” từ khắp mọi nơi trên mọi miền đất nước. Bài hát xuất hiện trên các chương trình truyền hình, liên hoan ca múa nhạc, những cuộc thi, những cuộc hội ngộ tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học... Ngoài việc được thể hiện bởi các ca sĩ đã thành danh, “Tổ quốc gọi tên mình” còn là tác phẩm được nhiều các bạn học sinh, sinh viên, những người lao động bình thường gửi gắm tình cảm.

Và tôi chợt hiểu, “Tổ quốc gọi tên mình” bây giờ không chỉ là tác phẩm của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và tôi, mà của tất cả những người Việt Nam yêu nước.

Ít ai biết rằng, bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” ra đời một cách rất tình cờ.

Vào tháng 6 năm 2011, trong khi tình hình biển đảo trở nên căng thẳng, nhà văn Hòa Bình, lúc đó đang công tác tại báo Vietnamnet liên hệ với tôi để thực hiện một cuộc phỏng vấn về chủ đề “văn nghệ sĩ và chủ quyền biển đảo”. Vì tôi sắp sửa đi công tác xa nên Hòa Bình đành chuyển câu hỏi phỏng vấn cho tôi qua thư điện tử. Khi đọc câu hỏi cuối cùng “chị có sáng tác mới nào về chủ quyền biển đảo hay không?”, tôi chột dạ. Dù đã thử viết về đề tài này, tôi chưa có bài thơ nào vừa ý.

Từ Hà Nội, đem theo những câu hỏi của Vietnamnet ra sân bay đi châu Âu, tôi nhắn tin cho Hòa Bình rằng sẽ gửi trả lời sớm. Nhưng tôi chưa có ý tưởng nào về một bài thơ mới. Cảm xúc về biển đảo thì nhiều, nhưng làm sao để có thể nói về chủ đề lớn lao này bằng những tứ thơ mới mẻ và đủ sức lay động lòng người?

Máy bay cất cánh. Tôi nghiêng người nhìn qua cửa sổ. Hà Nội trải dài dưới mắt tôi. Tổ quốc tôi đó, những ngôi nhà nhỏ xinh lấp lánh ánh nắng, những thửa ruộng ngời lên như ngọc, những lùm cây xanh thẳm bình yên đang toả bóng xuống dòng sông Hồng uốn quanh một dải lụa mềm. Điều gì sẽ xảy ra nếu sự bình yên ấy bị một thế lực nào giày xéo? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cắt rời những tấc biển khỏi tấc đất Việt Nam? Ôi Tổ quốc, Tổ quốc! Tôi gọi thầm và chợt tiếng động cơ máy bay như tiếng sóng vọng về:

“Tôi đang nghe tổ quốc gọi tên mình

Bằng tiếng sóng Trường Sa Hoàng sa dội vào ghềnh đá…”

Hai câu thơ đầu tiên hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi tìm vội giấy bút. Như một mạch nước ngầm đã được khai thông, những câu thơ khác cứ thế tuôn trào. Tình cảm yêu thương dồn nén mà tôi dành cho dải đất Việt giờ đây được cất nên lời. Tôi viết rất nhanh, một mạch, không chỉnh sửa. Rồi tôi đọc lại, chọn lọc các khổ thơ, sửa chữa câu từ, sắp xếp chúng để các thông điệp của bài thơ được truyền tải rõ ràng và mạch lạc nhất. Bài thơ bắt đầu bằng nhịp điệu dồn dập, về những hiểm hoạ Tổ quốc đang phải đương đầu, về sự hy sinh, mất mát, để rồi thắp lên niềm tin về hòa bình. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi ước ao rằng tất cả những xung đột tranh chấp về biển đảo sẽ được hòa giải qua đối thoại, và sẽ không có chiến tranh, đầu rơi, máu đổ.

Khi máy bay đưa tôi vượt lên những tầng mây trắng, khi tôi không còn nhìn thấy hình hài Tổ quốc, bài thơ đã được hoàn thành:

TỔ QUỐC GỌI TÊN

Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình

Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá

Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây

Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi

Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ

Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã

Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông

Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình

Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc

Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước

Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau

Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu

Sóng quặn đỏ máu những người đã mất

Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc

Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”

Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng

Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố

Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa

Tôi lắng nghe

     Tổ quốc

         gọi tên mình

Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Frankfurt, tôi gửi ngay bài thơ cho nhà báo Hải Giang, báo Hà Nội mới - một tờ báo chuyên “đặt hàng” các sáng tác mới nhất của tôi. Bài thơ lập tức được in ngày 26/6/2011.

Sau khi báo in, tôi gửi bài phỏng vấn cùng bài thơ cho nhà văn Hòa Bình. Ngày hôm sau (27/6/2011), bài thơ “Tổ quốc gọi tên” được đăng tải trên mạng Vietnamnet.

toi dang nghe to quoc goi ten minh!- tieng long cua nguoi con dat viet hinh 1

Nguyễn Phan Quế Mai đọc thơ tại Hà Nội (7/2015).

Vài ngày sau, vào ngày 4/7/2011, tôi nhận được lá thư điện tử đầu tiên từ nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Nhạc sĩ cho tôi biết sau khi đọc bài thơ “Tổ quốc gọi tên”, cảm xúc âm nhạc đã ùa đến với anh. Chỉ sau khoảng 15 phút, anh đã hoàn thành việc phổ nhạc bài thơ. Chưa hề gặp tôi và không biết tôi ở đâu, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn dò hỏi những văn nghệ sĩ anh quen để tìm cách liên lạc với tôi. Vì điện thoại của tôi ngoài vùng phủ sóng, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tìm địa chỉ thư điện tử và viết cho tôi. Những chia sẻ của anh về bài hát làm tôi vô cùng xúc động. Tôi hiểu rằng hai chúng tôi đang có cùng một nguồn cảm xúc mãnh liệt dành cho quê hương, dành cho tổ quốc.

Trong những email sau đó, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cẩn thận gửi cho tôi bản nhạc và trao đổi với tôi về điệp khúc và ca từ bài hát. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, anh chia phần nhạc “Tổ quốc gọi tên mình” thành hai đoạn A và B. Phần A với giai điệu nhẹ nhàng, da diết như từng lát cắt vào thịt da mình khi Tổ quốc không được bình yên. Phần B điệp khúc khẳng định tình yêu đối với Tổ quốc là bất diệt. Đặc biệt trong phần điệp khúc, các cụm từ "Tổ quốc của tôi“, “Tổ quốc linh thiêng“ và "hòa bình“ được lặp lại để nhấn mạnh khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Tôi thầm cảm ơn anh Đinh Trung Cẩn, vì dù chúng tôi không hề trao đổi trước khi anh phổ nhạc, người nghệ sĩ trong anh đã hiểu được thông điệp hòa bình sâu thẳm của tôi.

Rồi nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn gửi bản thu âm cho tôi qua thư. Trong một chiều mùa hạ rực rỡ của châu Âu, tôi ngồi đó một mình, những giọt nước mắt tuôn rơi. Khó có thể nói được cảm giác lúc ấy, khi tôi đang nghe được chính tiếng lòng tôi bằng tiếng Việt mến yêu, khi đang ở xa tổ quốc nhiều ngàn cây số. Tôi đã nghe bài hát rất nhiều lần trong buổi chiều hôm ấy, và cả những hôm sau.

Rồi bài hát được công bố, được trình diễn trên những sân khấu lớn, và ngay lập tức lan toả đến nhiều tầng lớp công chúng. Chỉ trong năm 2011, bài hát đã được vinh danh với các giải thưởng chuyên môn quan trọng như Giải A năm 2011 của Hội âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Giải A năm 2011 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giải Nhì, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh năm năm lần thứ nhất (2006 - 2011).

Hơn hai năm sau ngày ra đời, bài hát vẫn còn nóng hổi trên môi nhiều người Việt và liên tục lên sóng truyền hình. Hiện nay, đã có hơn 1 triệu lượt người lắng nghe bài hát chỉ trên riêng trên trang http://mp3.zing.vn. Nhiều bạn trẻ để lại những cảm nhận như: “Rất hào hùng và có ý nghĩa! Lâu lắm rồi, mới nghe lại 1 bài ca ngợi Tổ Quốc thế này”, “Một xúc cảm đặc biệt, tình yêu mãnh liệt về tổ quốc mình trong từng câu hát”, “Xúc động lặng người khi nghe bài hát Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình”, “Tôi yêu đất nước này, dân tộc này, màu da, tiếng nói này!”, “Đất nước mình đẹp đến thế, biết bao con người đã đổ máu để đổi lấy cuôc sống tươi đep hôm nay và cả mai sau. Hãy lấy cả tấm lòng, trái tim nhiệt huyết của bạn để giữ màu xanh hòa bình này!”….

Vừa rồi, khi về Việt Nam, anh trai của tôi (anh Nguyễn Hồng Sâm) kể cho tôi nghe rằng một lần công ty anh đi dã ngoại và tài xế xe bật bài hát “Tổ quốc gọi tên mình.” Mọi người trên xe hát theo còn anh thì hét lên “Bài hát này phổ thơ của em gái tao đó.” Cả xe không ai tin anh. Tất cả mọi người nhất quyết không tin anh.

Còn tôi, chính tôi cũng không tin rằng những điều tôi viết ra đang được chia sẻ ở đâu đó trên dải đất Việt Nam. Chính tôi cũng không tin rằng mình đang giúp thổi bùng lên tinh thần yêu nước của người Việt, qua bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”. Và chính tôi cũng không tin rằng mình có duyên được hợp tác với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, một người bằng tài năng và tình yêu Tổ quốc của mình, đã giúp lời thơ của tôi cất cánh./.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (Ảnh: FB nhân vật)

Theo VOV.VN

Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình!- tiếng lòng của người con đất Việt - 3