Thăm gia đình người chiến sĩ Việt Nam tham gia bảo vệ Moskva

Căn hộ đơn sơ song đặc biệt, tại số 29 phố Polotskaya, đã trở nên thêm ấm cúng với sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn và các phóng viên thường trú Việt Nam.

Đây là nơi ở của hai mẹ con chị Lê Thị Phượng, con gái ông Lý Phú San - một trong 5 người Việt Nam đã tham gia trận chiến bảo vệ Moskva trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

 
Ảnh ông Lý Phú San và cháu ngoại Mikhail khi còn bé trong nhà chị Phượng
Ảnh ông Lý Phú San và cháu ngoại Mikhail khi còn bé trong nhà chị Phượng

Tiếp đón chúng tôi thật thân mật với món bánh ngọt tự tay mình làm, chị Phượng cho biết chị sang Nga định cư năm 1992. Trong căn hộ của mình, chị Phượng vẫn gìn giữ tập album ảnh vô cùng quí giá của bố mình, đặc biệt là những tấm huân chương vẻ vang trao tặng cho ông Lý Phú San như huân chương Cựu chiến binh OMSBON - lữ đoàn đặc nhiệm trong thành phần có trung đoàn tình nguyện quốc tế của những người Việt Nam tham gia bảo vệ Moskva hay Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.   

Mùa đông 1941-1942 là một trong những mùa đông lạnh nhất lịch sử nước Nga và cũng là một trong những mùa đông đáng sợ nhất: Sau các cuộc tấn công vào Liên Xô, quân đội Đức Quốc xã chỉ còn cách trung tâm Moskva 30 km. Khi đó, hàng trăm nghìn người Moskva đã tình nguyện ghi tên tham gia chiến đấu chống phát xít, trong đó có những người Việt Nam trong thành phần trung đoàn quốc tế đặc biệt thuộc Lữ đoàn xạ kích cơ động đặc nhiệm (OMSBON).

Tổng cộng có 5 người Việt tham gia trung đoàn là Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo, Lý Thục Chắt và Lý Phú San. Tất cả đã hy sinh anh dũng trong trận đánh ở ngoại ô Moskva ngoại trừ ông Lý Phú San bởi theo lời kể của chị Phượng, ông không được ra chiến trường do vóc người nhỏ bé và phải chuyển sang làm ở quân y viện tiền phương. Theo lời kể của chị Phượng, cuộc sống khi đó phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vất vả, đặc biệt là đói và rét, phải chia nhau từng mẩu bánh mì.
 
 
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn xem album ảnh của ông Lý Phú San
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn xem album ảnh của ông Lý Phú San

Ông Lý Phú San tên thật là Lê Phan Chăn, sinh ngày 1/6/1900, tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (Hà Nội). Lớn lên, ông vào Sài Gòn, sau đó sang Campuchia rồi từ đó sang Pháp. Ông là đảng viên trong chi bộ bí mật của Đảng cộng sản Đông Dương (ở Pháp). Cũng tại Paris, ông Lý Phú San gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Theo giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Lý Phú San sang học tại Đại học Phương Đông. Những người còn lại, Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo, Lý Thục Chắt cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu sang Moskva học, song sang theo ngả Trung Quốc.    

Chúng tôi chỉ biết thêm một vài chi tiết về cuộc đời thăng trầm với rất nhiều hành trình của ông Lý Phú San qua lời kể của chị Phượng. Chị cho biết ông Lý Phú San là người có tinh thần quốc tế cộng sản cao cả, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn, kể cả vật chất. Từ năm 1946, ông làm việc tại nhà máy chế tạo Artemovski. Năm 1956, ông về Việt Nam, làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia Liên Xô giúp xây dựng Đài phát thanh Mễ Trì. Sau đó về làm tại Đại sứ quán Liên Xô ở Việt Nam và qua đời năm 1980 tại quê nhà, thọ 80 tuổi.

Chị Phượng trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang
Chị Phượng trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang

Chị Lê Thị Phượng nay đã định cư ở Moskva, tro cốt cha mẹ mình được chị an táng tại một trong những nghĩa trang của thủ đô Nga, mảnh đất mà ông Lý Phú San đã bảo vệ. Người lính Hồng quân gốc Việt này có một người cháu trai tên là Mikhail năm nay sẽ tốt nghiệp lớp 11 và dự định theo học Học viện Tài chính Moskva.          

Trong chuyến thăm Nga và tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với bạn bè Nga của Việt Nam. Chị Phượng cũng tham dự cuộc gặp này và được đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi.          

Rất nhiều người con của Liên Xô trước kia đã sang giúp Việt Nam chiến đấu chống Đế quốc Mỹ xâm lược, và cũng có những người con Việt Nam đã quên thân mình cho sự nghiệp bảo vệ đất nước Xô Viết. Tấm gương dũng cảm của họ thật đáng tự hào, đặc biệt là trong thời điểm tháng 5 năm này khi Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn Nga kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít.

Theo Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm