Sứ giả của Trường Sa

Ngoài những món quà biển quê hương, trong vali trở về Pháp của Dư Thu Trang còn có lá cờ Tổ quốc mang chữ ký của các chiến sĩ hải quân ở Trường Sa. Cô gái rơm rớm nước mắt khi nhắc lại câu chuyện về những người lính đảo.

Cuối tháng Ba, chị Thu Trang (Việt kiều Pháp) trở về Việt Nam và nhận được lời mời tham gia chuyến đi thăm Trường Sa cùng đoàn kiều bào. Khác với nhiều người băn khoăn về sự vất vả của hải trình, chị chỉ đắn đo xem sẽ thu xếp công việc bên Pháp như thế nào. Bạn bè và người thân khuyên chị tham gia bởi đây là một dịp hiếm có. Và thế là chỉ sau 10 ngày ở Pháp, cô gái này đã trở lại Việt Nam tham gia hành trình tới nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Sứ giả của Trường Sa - 1

Việt Nam thu nhỏ trên con tàu

Điều mà Thu Trang được báo trước là một chuyến đi vất vả và khó khăn. Thấy vóc dáng mảnh mai của chị, nhiều người cũng băn khoăn rằng chị có đủ sức chịu được nắng gió của biển cả và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn hay không. Thế nhưng, cô gái này đã lường trước mọi việc và chấp nhận “dù có làm sao thì đó cũng là trải nghiệm”.

Đến khi lên tàu, Thu Trang lại thấy mình như đi… nghỉ dưỡng. Đoàn công tác đi trên con tàu kiểm ngư 6 tầng hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Các phòng nghỉ sạch sẽ, có điều hòa mát lạnh. Tàu phục vụ bốn bữa ăn/ngày nên trong giai đoạn đầu của hải trình, Trang cảm thấy tăng cân rõ rệt. Chị chia sẻ: “Điều kiện sinh hoạt trên tàu tất nhiên không thể tiện nghi như ở đất liền nhưng vẫn là quá tốt so với những gì có thể. Chúng tôi cảm ơn Bộ Ngoại giao và Bộ Tư lệnh Hải quân vì đã tổ chức một chuyến đi cực kỳ chu đáo”.

Tiếp nối thành công chương trình kiều bào thăm Trường Sa, năm 2016 - vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giải phóng Trường Sa và kỷ niệm ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng, từ 16-28/4, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn kiều bào gồm gần 80 đại biểu từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ về thăm quân dân huyện đảo Trường Sa (Đoàn công tác số 6).

Chị Thu Trang cho biết, trên con tàu ra Trường Sa ấy có kiều bào ưu tú từ khắp nơi trên thế giới, có cán bộ từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vì thế, chị xem con tàu này như một Việt Nam thu nhỏ và rất tự hào khi được có mặt ở đây.

Trong hành trình kéo dài gần nửa tháng, cô gái sinh năm 1982 đã chuyện trò, giao lưu cùng các kiều bào, người dân và chiến sĩ tại nhiều hòn đảo. Những ngày tới thăm các đảo chìm, đoàn phải chia ra làm hai nhóm để vừa giao lưu, vừa có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe. Trừ những chương trình diễn ra cùng thời điểm, Thu Trang luôn cố gắng tới đảo để gặp gỡ bà con, chiến sĩ.

Chị kể lại: “Ở Pháp, tôi làm tổ chức sự kiện nên có cơ hội tham gia nhiều hoạt động về biển Đông như hội thảo, triển lãm, tuần hành… Nhưng chỉ khi đến Trường Sa, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con và chiến sĩ, tôi mới hiểu rõ nỗi vất vả của họ. Tôi thấy mình được khám phá một cuộc sống khác mà trước đây chỉ được hình dung qua tranh ảnh và lời kể của mọi người”.

Yêu lắm, thương lắm!

Càng đến thăm nhiều đảo, Thu Trang cùng các kiều bào càng cảm thông với điều kiện sống thiếu thốn của đồng bào. Thiếu tiện nghi vì sống xa đất liền đã đành, các chiến sĩ còn thiếu tình cảm gia đình. Mỗi khi gặp hay tạm biệt các anh lính đảo, chị luôn dành cho các anh những cái ôm thật chặt. Chị còn tự hào rằng mình là người “ôm nhiều chiến sĩ nhất trong đoàn”.

Thu Trang chia sẻ: “Kiều bào mình rất thương anh em nhưng nhiều người vẫn e ngại với những cái ôm tạm biệt. Tôi thì nghĩ rằng, với người nước ngoài mình còn chào hỏi như vậy thì cớ sao với đồng bào mình lại không. Sống trên đảo lâu ngày, họ rất cần hơi ấm từ đất liền”.

Chị Dư Thu Trang tự hào là người được ôm nhiều chiến sĩ nhất trong đoàn kiều bào.
Chị Dư Thu Trang tự hào là người được ôm nhiều chiến sĩ nhất trong đoàn kiều bào.

Theo chị Trang, tuổi đời của hầu hết các chiến sĩ hải quân ở Trường Sa chỉ khoảng 18-22. Các bạn ấy đôi lúc cũng chạnh lòng vì nhớ nhà. Khi hỏi về dự định trong tương lai, có chiến sĩ trả lời rằng: “Đi biền biệt như thế này thì em làm sao mà có người yêu. Chỉ mong có ai hiểu và thông cảm cho mình để ở nhà chăm bố mẹ và sinh cho mình một đứa con”. Nghe những lời ấy, mọi người trong đoàn đều thêm thương, thêm yêu các bạn - những người hi sinh mơ ước, gác lại chuyện riêng tư để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bà con người Việt ở xa quê hương trong chuyến đi thăm Trường Sa vừa qua lại càng xúc động hơn khi đến thăm các chiến sĩ nhà giàn. Nhìn xa xa, những ngôi nhà ấy như căn chòi đơn độc giữa sóng nước mênh mông. Chị Trang kể lại, ở những hòn đảo nhỏ như đảo Cô Lin, Đá Lớn B, Đá Lớn C, các nghệ sĩ đi theo đoàn còn chẳng có sân khấu để biểu diễn. Thế là tất cả quân, dân cùng ngồi quây quần trước tấm bia chủ quyền Việt Nam đàn hát, trò chuyện.

Cuộc sống vất vả, thiếu thốn là thế nhưng những người lính đảo vẫn rất lãng mạn. Một chiến sĩ đã tặng cho Thu Trang bông hoa hồng làm từ vỏ ốc biển. Trong các buổi giao lưu, các anh lính cũng hòa mình vào âm nhạc để hát múa cùng các vị khách. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Dù ở đảo nổi hay đảo chìm, giờ phút chia tay giữa người ở và người về luôn bịn rịn và lưu luyến.

Nhớ về lần chia tay các chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn - đảo cuối cùng trong hành trình của đoàn, Thu Trang kể lại: Sau buổi giao lưu văn nghệ, khoảng 20h, đoàn phải chia tay các chiến sĩ để kịp chuyến đi hôm sau. Ra tới cầu cảng, ai ai cũng bất ngờ khi các anh lính đã xếp hàng ngay ngắn ở đó để chia tay đoàn. Ngay cả khi đã lên tàu, bà con Việt kiều và các chiến sĩ trên cầu cảng vẫn hát cùng nhau. Nghe thấy đoàn hô vang: “Chúc Trường Sa khỏe”, các anh lính hải quân cũng đồng thanh đáp lại: “Chúc kiều bào khỏe”.

Khi tàu đã cách xa rồi, hai bên vẫn cùng nhau hát vang. Khi không còn nhìn thấy nhau, tàu tiếp tục rọi đèn để bà con kiều bào được trông thấy anh em chiến sĩ. Phải mất gần một giờ đồng hồ, buổi chia tay ở đảo Trường Sa lớn mới kết thúc.

Khi được hỏi về sự thay đổi của bản thân sau chuyến đi, Thu Trang chia sẻ: “Tình yêu của tôi dành cho Trường Sa vẫn vậy. Nhưng nhờ có chuyến đi này, tôi mới thấy Trường Sa như một phần máu thịt. Đi đến hòn đảo nào, tôi cũng cảm thấy đấy như nhà mình, chẳng muốn phải rời xa”. Lá cờ Tổ quốc có chữ ký và dấu của chiến sĩ, huy hiệu Trường Sa, những vỏ ốc, sò rất lớn… tất cả sẽ được chị mang về Pháp để giới thiệu với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế trong những sự kiện về Biển Đông

“Khi về nước, mỗi kiều bào sẽ là một sứ giả tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Được trải nghiệm cuộc sống, lắng nghe những câu chuyện của quân dân trên đảo, những lời tuyên truyền của chúng tôi sẽ thực tế và gần gũi hơn. Ai cũng tự nhủ sẽ phải làm được một điều gì đó cho Trường Sa”, Thu Trang tâm sự.

“Gần nửa tháng sinh hoạt cùng nhau trên con tàu tới Trường Sa, đoàn chúng tôi thân nhau lắm! Từ phòng ăn về đến phòng ngủ của tôi chỉ khoảng 2 phút đi bộ mà nhiều khi tôi phải mất tới 2 tiếng mới về được tới nơi. Cứ đi vài bước là lại có một nhóm ngồi túm năm tụm ba gọi tôi vào nói chuyện. Tối 6/5, tôi lấy sinh nhật mình làm cái cớ để mọi người trong đoàn tụ họp. Dù chỉ chia tay nhau được một tuần nhưng khi gặp lại mọi người ôm hôn, tay bắt mặt mừng như những người thân lâu ngày mới gặp lại. Một cán bộ của Bộ Tư Lệnh Hải quân Việt nam đi xe từ Hải Phòng lên Hà Nội để chung vui cùng chúng tôi”.

Dư Thu Trang

Theo

Thế giới và Việt Nam