Nữ doanh nhân gốc Việt - chủ nhân Lâu đài Fried nổi tiếng châu Âu
Không chỉ là một nữ doanh nhân giỏi, chị Phan Bích Thiện còn là một người nhiệt tình, có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Hungary.
Gặp nữ doanh nhân Phan Thị Bích Thiện, dù đã biết trước về cuộc đời và sự nghiệp của chị qua nhiều trang viết, nhưng chúng tôi vẫn thực sự ngỡ ngàng. Bởi ở chị luôn toát lên vẻ hiểu biết, năng động và quảng giao.
Đất nước Hungary nổi tiếng với những tòa lâu đài nguy nga của vua chúa thời phong kiến và cả những tòa lâu đài của các gia đình quyền quý. Chị Bích Thiện là người Việt Nam duy nhất ở Hungary sở hữu một tòa lâu đài tư nhân.
Nhớ lại quãng thời gian học tập và khởi nghiệp ở châu Âu, chị Thiện cho biết, đến 1998, khủng hoảng tài chính Nga cũng ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp trong đó có DN của chị. Khi đó tôi đã quyết định sẽ quay về nhà là Hungary. "Với tôi, nước Hungary hoàn toàn mới lạ. Với cộng đồng người Việt ở đây, tôi là người đến sau. Thời gian đầu ở Hungary rất khó khăn vì tiếng chưa thạo, bạn bè chưa có nhiều. Cái Tết đầu tiên ở đây, tôi cũng làm mâm cơm cúng gia tiên nhưng sau đó ngồi khóc thầm vì cảm thấy cô đơn và trống trải. Sau đó tôi nhận ra, mình đã lựa chọn và đây là nơi mình phải sống, mình muốn bảo vệ, xây dựng hạnh phúc gia đình mình thì phải hội nhập và tìm được chỗ đứng ở quê hương mới" - chị Thiện kể lại.
Chị Bích Thiện trải lòng: Tôi quyết định đi học tiếng Hungary. Đây là tiếng khó học. Trong quá trình học tập tôi bắt đầu có các mối quan hệ, bắt đầu thâm nhập tìm hiểu xã hội Hungary.
Sau 18 năm, tôi thấy mình phần nào đã hòa nhập với xã hội Hungary. Hàng ngày làm việc với các đồng nghiệp, bạn bè. Đây đúng là quê hương thứ 2 của mình.
Vào năm 2002, trong một lần đi dã ngoại, vợ chồng tôi thấy một lâu đài cổ bị đổ nát và họ có rao bán theo Chương trình của Chính phủ Hung. Những tòa lâu đài cổ được tư nhân hóa với điều kiện phải khôi phục lại. Lâu đài Fried cũng là một trong số những lâu đài nằm trong chương trình này. Vợ chống tôi có đam mê những công trình kiến trúc cổ xưa và thấy một công trình đẹp như vậy mà cứ để mai một đi theo thời gian thì cũng thấy xót xa.
Chúng tôi mất hơn 2 năm khôi phục lại tòa lâu đài theo hình dáng cũ. Rất may có một quyển sách về dòng họ Fried – là chủ sở hữu của tòa lâu đài. Trong quyển sách đó, chúng tôi biết được tòa lâu đài đó hình dáng ra sao và khôi phục lại.
Đến phần nội thất, tôi muốn nội thất phải phù hợp với phong cách của tòa lâu đài. Mặt khác tôi rất thích những đồ gỗ Đồng Kỵ chạm trổ bằng tay. Tôi cũng muốn quảng bá những sản phẩm này với những người dân châu Âu. Tôi nghĩ, những món đồ này không phải là đồ gỗ thông thường mà nó là tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật. Tôi quyết định trang bị toàn bộ nội thất bằng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Việt Nam.
Quyết định mua và cải tạo lâu đài Fried rất mạo hiểm vì chị Thiện đã một mình đi theo một hướng hoàn toàn khác, phần đông người Việt Nam ở đây đi theo hướng kinh doanh (quần áo, thực phẩm…). Nhưng với chị lại khác, chị nghĩ rằng, muốn làm gì thì phải xây dựng nó lâu dài và đây cũng không chỉ là hiệu quả kinh doanh mà còn để lại được cái gì đó cho sau này.
“Đến hôm nay thì tôi thấy đó là một quyết định rất đúng vì tôi đã mang đến một phong cách hoàn toàn mới, lạ đến với du khách Hungary nói riêng và châu Âu nói chung. Du khách đến thăm lâu đài của tôi họ thấy rất thú vị. Chính vì thế, khách sạn lâu đài Fried được giới truyền thông, dân chúng quan tâm” – chị Thiện nói.
Mới chỉ 10 năm đi vào hoạt động, khách sạn Lâu đài Fried đạt được những giải thưởng rất danh giá, là khách sạn đẹp nhất Hungary, khách sạn tốt nhất Hungary, giải thưởng về chất lượng của Tổng cục Du lịch Hungary cùng với cơ quan du lịch của EU.
Khách sạn Lâu đài Fried nằm ở tỉnh Tolna nên khi xây dựng công trình, chị Thiện đã bỏ công đi tìm hiểu về những điều đặc biệt của tỉnh Tona. Trong quá trình tìm hiểu về địa phương, chị Phan Bích Thiện biết thành phố Pork có công viên Việt Nam được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Chị Bích Thiện đã cất công đi gặp chính quyền thì được biết khu đất đó thuộc nhà máy điện hạt nhân của Paks. Rất may, khi đó chị Thiện gặp được ông Tổng Giám đốc nhà máy và trình bày nguyện vọng được đặt một tấm biển đồng ghi lại việc có một di tích như vậy ở đây. Ông này rất ủng hộ và nói rằng sẽ hỗ trợ để dựng Đài kỷ niệm tình hữu nghị hai nước.
Hồi đó chúng tôi báo cáo với Đại sứ quán và mọi người rất mừng và cùng kết hợp thực hiện. Vì thế, biểu tượng đó mang đặc trưng của hai nước. “Đây là một việc có ý nghĩa rất lớn. Tượng đài không lớn nhưng có ý nghĩa rất lớn vì khi thể chế chính trị đã thay đổi nhưng mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước vẫn không hề thay đổi. Đến năm 2010 với sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản Hungary và Nhà máy điện nguyên tử Paks thì tượng đài hữu nghị hai nước được khánh thành đúng dịp 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây được coi là món quà của cộng đồng người Việt ở Hungary dịp này” – chị Bích Thiện tự hào nói.
Hiện nay, chị Phan Bích Thiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary –Việt Nam; Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN (tác nghiệp tại Hungary)