Nỗi lo của doanh nhân Việt ở Ukraina

Gần đây, người ta hay nhắc đến nhiều doanh nghiệp của người Việt làm ăn thành công tại Ukraina. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraina là không dễ dàng đối với phần lớn người Việt.

Một quầy hàng kinh doanh của người Việt tại chợ Troeshina, thủ đô Kiev

Một quầy hàng kinh doanh của người Việt tại chợ Troeshina, thủ đô Kiev

Ông Lê Khắc Tâm- Chủ tịch Hội đồng quản trị Fito Pharma (thành phố Kiev) cho biết: "Sắp tới, tôi cho rằng trong một thời gian dài kinh tế Ukraina sẽ rất khó khăn. Nhưng về lâu dài, việc rời khỏi khối Liên Xô cũ và tham gia Cộng đồng châu Âu có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cũng như tăng mức sống và thu nhập cho những người đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có người Việt. Tuy nhiên, nền kinh tế của Ukraine trong 3 tháng gần đây luôn lâm vào tình trạng khủng hoảng. Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng đất nước đã ở bên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất, thâm hụt ngân sách đến mức không thể cân đối được, chỉ số phát triển kinh tế ở mức âm, nguồn viện trợ không còn… Với hoàn cảnh khó khăn chung đối với 46 triệu người dân Ukraine thì cộng đồng người Việt mình chắc chắn cũng gặp những khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine và cả những người buôn bán tại các chợ sẽ gặp phải tình trạng suy giảm sức mua của người dân".

Trong khi đó, ông Hoàng Công Bảo Đàm, Chủ tịch hội Doanh nhân người Việt ở Kiev, chia sẻ: "Suốt thời điểm cuộc biểu tình chuyển sang bạo động (giữa tháng 1), khủng hoảng chính trị đã khiến đồng bản tệ mất giá đến 15%. Người dân chậm nhận lương, người tiêu dùng lo lắng, sức mua giảm đáng kể. Điều đó khiến công việc kinh doanh của không ít người Việt sụt giảm rất nhiều, hàng hóa hầu như không bán được. Sau cuộc chính biến, chính quyền lâm thời của Ukraine ra tuyên bố đặt mục tiêu chính hội nhập vào Cộng đồng châu Âu khiến người Việt vừa mừng vừa lo. Mừng vì cho rằng đất nước Ukraine sẽ hội nhập vào cộng đồng văn minh, luật pháp ổn định. Nhưng lo lắng vì con đường ấy sẽ có nhiều chông gai. Hội nhập vào châu Âu thì các mô hình kinh doanh của bà con sẽ ra sao. Đó là chuyện lâu dài, còn mục tiêu trước mắt thì bà con mong đất nước Ukraine ổn định. Còn một điều nữa khiến cộng đồng người Việt hết sức lo ngại là chuyện kỳ thị người nước ngoài. Trong chính quyền lâm thời hiện nay có một số người mang tư tưởng dân tộc cực hữu. Liệu họ có đưa ra các chính sách kỳ thị người nước ngoài hay không đang là vấn đề mà cộng đồng người Việt ở Ukraine hết sức quan tâm…".

Tham tán, Phó Đại sứ Việt Nam tại Ukraina Nguyễn Phan Hồng Hải cho biết: "Những diễn biến căng thẳng tại Ukraine thời gian qua đang hết sức phức tạp. Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định không thể dự đoán trước điều gì mà phải theo dõi từng giây, từng phút".

Vẫn theo lời ông Hoàng Công Bảo Đàm: "Dù tình hình Ukraine sắp tới như thế nào đi nữa, tôi nghĩ rằng cộng đồng người Việt mình không nên chỉ ngồi lo lắng khó khăn mà nên suy nghĩ đến việc thay đổi định hướng kinh doanh trong tình hình mới. Chẳng hạn như cần phải làm gì trong trường hợp Ukraine tiến từng bước trên con đường gia nhập khối EU trong thời gian tới. Nếu tình hình kinh tế ổn định, tươi sáng thì bà con ta vẫn ở lại, còn nếu làm ăn khó khăn quá thì có thể tìm cách về Việt Nam. Chúng ta cũng nên học tập kinh nghiệm của cộng đồng người Việt tại Ba Lan và Cộng hòa Czech – những nước đã trải qua tình trạng tương tự…".

Theo Như Quỳnh
Báo Đại đoàn kết