Những thành công bước đầu của mô hình dạy tiếng Việt tại Malaysia

Lớp dạy tiếng Việt đầu tiên cho con em cộng đồng người Việt tại Malaysia đã trải qua được gần 9 tháng. Thời gian tuy chưa nhiều, song mô hình này đã cho thấy những thành công ban đầu, tạo cơ sở cho việc nhân rộng trong thời gian tới.

Đại diện Đại sứ quán và Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia đến thăm lớp. (Ảnh: Hoàng Nhương/Vietnam+)
Đại diện Đại sứ quán và Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia đến thăm lớp. (Ảnh: Hoàng Nhương/Vietnam+)

Được thành lập theo ý tưởng của Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, lớp học hướng đến các đối tượng là con em phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Malaysia hoặc người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây.

Lớp cũng đón nhận các em là con của cán bộ nhân viên Việt Nam sang đây công tác. Bước đầu có khoảng 30 em đăng ký tham gia, được chia thành hai lớp theo lứa tuổi và được bố trí học vào thời gian cuối tuần.

Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên chính đứng lớp, cho biết thời gian đầu, phần lớn các em nói tiếng Việt chưa thành thạo hoặc không nói thường xuyên. Trên lớp, theo thói quen, các em thường sử dụng tiếng Malaysia, tiếng Hoa hoặc tiếng Anh để giao tiếp với nhau, ít khi dùng tiếng Việt.

Để giúp các em học được tiếng Việt và hình thành thói quen sử dụng tiếng Việt, các giáo viên đứng lớp đã mất khá nhiều công sức. Các cô đã vận dụng hết những vốn sư phạm của mình trong những năm giảng dạy tại Việt Nam để dạy dỗ các em. Từ việc dạy mỗi ngày một chút, uốn nắn từng câu từ, chữa từng lỗi chính tả cho đến tham gia các trò chơi cùng các em, các giáo viên đã từng bước tạo ra những thay đổi rõ rệt.

Hiện tại, theo cô Liên, hầu hết các em đã nói được tiếng Việt một cách khá thành thạo. Các em có thể hiểu được nội dung các bài giảng theo giáo trình do Bộ Giáo dục Việt Nam biên soạn, đồng thời làm bài tập về nhà khá tốt.

Trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước được tổ chức mới đây tại Đại sứ quán Việt Nam, các em đã cùng nhau thể hiện một bài hát bằng tiếng Việt, được bà con trong cộng đồng khen ngợi và cổ vũ nhiệt tình. Quan trọng nhất, các em đã hình thành thói quen giao tiếp bằng tiếng Việt với nhau khi đến lớp, từ đó tạo nền tảng cho việc học tiếng Việt một cách hiệu quả và bài bản hơn.

Cô giáo Nguyễn Thụy Thiên Hương, một trong hai giáo viên chính đứng lớp, cho biết tạo ra thói quen giao tiếp bằng tiếng Việt cho các em là một khó khăn khá lớn đối với các giáo viên, nhất là trong thời gian đầu. Sau một thời gian giảng dạy, các giáo viên đã ra quy định yêu cầu các em chỉ được nói tiếng Việt trong thời gian trên lớp, trừ lúc ra chơi. Đồng thời, các giáo viên cũng đề nghị phụ huynh tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt với các em trong thời gian ở nhà, tạo điều kiện cho con em có được môi trường thực tế để thực hành.

Cũng theo cô giáo Hương, không chỉ được học tiếng Việt, các em còn được các giáo viên lồng ghép những kiến thức về văn hóa Việt Nam. Bước đầu là những chủ đề hàng ngày, đơn giản như cách chào hỏi, thưa gửi của người Việt, cách ứng xử giữa học sinh với giáo viên, giữa học sinh với nhau… Rất mừng là các em đã lĩnh hội được khá tốt những điều này.

Những kết quả bước đầu này đã được các phụ huynh đánh giá cao. Chị Nguyễn Chi Lan, phụ huynh em Phan Nguyễn Minh Minh cho biết, khi con chị theo cha mẹ sang Malaysia, cháu còn nhỏ và nói tiếng Việt chưa sõi. Ban ngày, cháu theo học tại trường quốc tế, học tập và giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Malaysia. Về nhà thời gian cháu vui chơi cùng ông bà và bố mẹ không nhiều, do đó, cháu nói tiếng Việt khá ngọng và không nói được nhiều. Sau khi tham gia lớp dạy tiếng Việt, được các cô giáo uốn nắn và dạy bảo, đến nay con chị đã nói được tiếng mẹ đẻ khá thành thục. Vợ chồng chị rất vui.

Cháu Minh thì cho biết, cháu rất vui khi được tham gia lớp học. Được học tiếng Việt, cháu có thể nói chuyện với bà khi ở nhà, đọc được sách bằng tiếng Việt và nhất là được nói chuyện bằng tiếng Việt với các bạn khi đến lớp.

Có được những kết quả ban đầu này phải kể đến sự quan tâm sát sao của Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam nói riêng và Đại sứ quán Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt nói chung tại Malaysia. Các đơn vị và cá nhân luôn quan tâm, hỗ trợ lớp học. Đặc biệt, một chị em trong Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam có chồng là người Malaysia đã tự nguyện bố trí nhà riêng của mình làm địa điểm cho lớp học kể từ ngày khai giảng cho đến nay. Đây là những nguồn động viên, hỗ trợ vô cùng quý giá đối với cô và trò của lớp.

Ông Bùi Khánh Long, Phó Bí thư Đảng ủy tại Malaysia, cho biết việc dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt tại Malaysia là một việc làm có ý nghĩa quan trọng. Việc dạy tiếng Việt không chỉ nhằm giúp các em nói được tiếng mẹ đẻ, mà quan trọng hơn là giúp các em hiểu được văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, qua đó giúp các em thêm gắn bó với quê hương đất nước, với cội nguồn dân tộc của mình.

Ông Long đánh giá cao đóng góp của Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam đối với sự hình thành của lớp học, đặc biệt là sự tâm huyết của các cô giáo và trợ giảng của lớp, những người đã tự nguyện đứng lớp miễn phí trong suốt thời gian qua, coi đây là những điển hình tiêu biểu trong cộng đồng người Việt tại Malaysia.

Ông Long cũng cho biết những kết quả bước đầu và những kinh nghiệm có được qua lớp dạy tiếng Việt đầu tiên này sẽ được Đại sứ quán Việt Nam nghiên cứu, xem xét để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác tại Malaysia. Trước mắt, trong thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiến hành sửa chữa một số phòng ốc tại Đại sứ quán, cải tạo thành nơi học mới, giúp cho lớp học có được địa điểm tốt hơn./.

Theo Hoàng Nhương/Kuala Lumpur (Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/nhung-thanh-cong-buoc-dau-cua-mo-hinh-day-tieng-viet-tai-malaysia/450957.vnp