Người nối nhịp cầu văn hóa cho tiếng Việt

Trong số những học viên tiêu biểu được lựa chọn về nước tham gia Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở ngoài nước vừa qua, có một cô giáo rất trẻ trung, xinh đẹp và nhiệt tình trong mọi hoạt động. Đó là cô Nguyễn Thị Ngọc Mai.

Không chỉ làm phiên dịch và giảng dạy tiếng Việt, cô Mai còn thực hiện vai trò tình nguyện viên với các hoạt động giao lưu văn hóa, thuyết minh bằng tiếng Việt cho người Việt đến tham quan và du lịch tại Đài Loan (Trung Quốc), đặc biệt là tại Bảo tàng Đài Loan (số 2 Tương Dương, khu Trung Chính, thành phố Đài Bắc).

Giảng dạy - công việc luôn ấp ủ

Nguyễn Thị Ngọc Mai mới chuyển sang định cư và làm việc tại thành phố Đài Bắc được vài năm. Cô cho biết, giảng dạy tiếng Việt là một trong những điều cô luôn ấp ủ khi có cơ hội sang Đài Loan sinh sống. Hơn nữa, ngôn ngữ tiếng Việt cũng là môn chuyên ngành mà cô đã từng tốt nghiệp Cử nhân Ngữ Văn tại Đại học Cần Thơ.

Uớc muốn của cô Mai đã trở thành hiện thực khi được một cô giáo tiếng Trung giới thiệu vào giảng dạy tiếng Việt trong Trường Tiểu học Đông Hồ từ hai năm trước. Mỗi khi thấy các em chăm chú học tập và nghe truyền đạt, cô cảm nhận rõ niềm hạnh phúc của người giáo viên và cũng như có thêm động lực để chia sẻ nhiều hơn những nét văn hóa truyền thống, nét đẹp về lịch sử, địa lý của Việt Nam.

Người nối nhịp cầu văn hóa cho tiếng Việt - 1

Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai đang thuyết minh cho sinh viên Việt Nam tại Bảo tàng Đài Loan.

Theo cô Mai, nếu nhìn cách phân chia thành phần dân số tại đây theo cách gọi “Dân nguyên trú”, “Tân di dân”, thì kiều bào người Việt Nam cũng được xếp là “Tân di dân” đến định cư trong vòng khoảng 20 năm trở lại đây. Và số lượng con em Việt Nam đông thứ hai sau con em của người Tân di dân đến từ Trung hoa lục địa trên hòn đảo này.

Cô cho biết, đa số thế hệ thứ hai của kiều bào người Việt là các em còn nhỏ từ độ tuổi tiểu học đến trung học phổ thông. Trước kia, bản thân các em chưa chú trọng học ngôn ngữ cũng như ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, sau khi có chương trình đẩy mạnh giáo dục tiếng mẹ đẻ thì các em đã được tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa Việt Nam qua các hoạt động giao lưu văn hóa.

Tuy nhiên, khó khăn nổi bật trong việc giảng dạy tiếng Việt ở đây là rất thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên có đủ năng lực chuyên môn. Do giáo án cũng đang trong quá trình từng bước biên soạn và dạy thí điểm nên chưa có sự thống nhất hoàn chỉnh trong toàn bộ lịch trình học tập của các em. Một số gia đình cũng chưa thực sự khuyến khích các em học tiếng Việt.

Cơ hội để giới thiệu Việt Nam

Nguyễn Thị Ngọc Mai cho biết, Bảo tàng Đài Loan là một trong những điểm tham quan nổi tiếng và có lịch sử lâu đời hơn 100 năm được xây dựng thời Nhật Trị tại Đài Loan năm 1908. Xuất phát từ nhu cầu giới thiệu về lịch sử, kiến trúc và các phòng trưng bày triển lãm cho khách nước ngoài, Bảo tàng đã tuyển dụng và mời tình nguyện viên làm thuyết minh.

Cơ hội đến và cô Mai đã tìm thấy rất nhiều niềm vui mới trong vai trò là thuyết minh viên tiếng Việt cho các khách tham quan là những người Tân di dân Việt Nam hoặc sinh viên, người Việt Nam. Bên cạnh đó, cô đã kiến nghị với lãnh đạo của Bảo tàng tổ chức những buổi giao lưu văn hóa Việt Nam thông qua trình diễn âm nhạc, ẩm thực, các trò chơi, quần áo truyền thống ba miền của Việt Nam...

Cô Mai kể lại một kỷ niệm đáng nhớ khi đang thuyết minh cho khách tham quan Việt Nam, có một đôi vợ chồng người Đài Loan cứ đi theo đoàn để nghe dù cô nói bằng tiếng Việt. Có lẽ, ấn tượng với ngôn ngữ và cô mặc bộ áo dài Việt Nam quá đẹp nên khi kết thúc buổi thuyết minh, hai người đã đến làm quen để được hiểu nhiều hơn về Việt Nam.

Từ câu chuyện này có thể thấy nhiều người Đài Loan cũng chưa hiểu biết rõ về đất nước và con người Việt Nam. Cô Mai tin rằng trong thời gian làm việc tại đây, cô có thể giúp ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam được giới thiệu nhiều hơn cho người Đài Loan cũng như bạn bè quốc tế.

Là một giảng viên trẻ, Nguyễn Thị Ngọc Mai thấy mừng là tiếng mẹ đẻ đã khẳng định được vị trí và được giảng dạy rộng khắp cho cộng đồng con em người Việt Nam tại Đài Loan. Cô được biết đến năm 2018, tiếng Việt sẽ được giảng dạy chính thức trong các trường tiểu học và trung học.

Cô hy vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện quan tâm, đầu tư hơn nữa cho các dự án hợp tác giáo dục nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên cũng như cung cấp các tài liệu, các công trình nghiên cứu biên soạn giáo trình để những giảng viên như cô có thể áp dụng giảng dạy hiệu quả.

Điều mà cô mong đợi hơn nữa là văn hóa Việt Nam được giảng dạy rộng rãi đến các con em cộng đồng người Việt, thậm chí đến cả người dân bản xứ cũng như người nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Theo Trọng Vũ

Thế giới và Việt Nam