Những bông hoa Việt ở Slovakia

Trở lại Slovakia lần thứ hai và định cư tại đất nước này đã hơn 20 năm, chị Đặng Lan Hương cùng rất nhiều chị em khác sinh sống tại đây đang hàng ngày tạo nên hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt Nam ở xứ người.

Chị Đặng Lan Hương.
Chị Đặng Lan Hương.

Sinh năm 1962, chị Đặng Lan Hương sang Slovakia từ 1981 theo diện học sinh vừa học vừa làm. Sau bốn năm học trở về quê hương, năm 1993, chị đã trở lại mảnh đất với những người dân luôn thân thiện, mến khách để lập nghiệp và tìm thấy nhiều niềm vui trong vai trò là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Slovakia.

Những năm tháng mưu sinh

Chị Đặng Lan Hương chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất mà bất cứ người phụ nữ Việt nào mới đặt chân đến Slovakia chính là không biết tiếng và sau đó là thời tiết (vào mùa đông thường rất khắc nghiệt). May mắn là lần đầu tiên sang đây theo chương trình học nghề nên chị được học tiếng ngay. Chỉ sau ba tháng, chị đã có thể giao tiếp với người địa phương, những người vốn rất có cảm tình với người Việt Nam.

Hoạt động văn nghệ của chị em phụ nữ Việt tại Slovakia.
Hoạt động văn nghệ của chị em phụ nữ Việt tại Slovakia.

Tuy nhiên, lần thứ hai chị trở lại Slovakia với mục đích lập nghiệp thì lại khác. Vì chưa từng trải nghiệm việc kinh doanh ở xứ người nên có những mặt hàng chị đưa từ Việt Nam sang khó khăn mới tìm được nguồn tiêu thụ. Dù chất lượng hàng hóa Việt Nam đều được khách hàng đánh giá tốt, nhưng luôn phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc. Công việc buôn bán không mấy thuận lợi, chị Hương đã chuyển sang mô hình quán ăn nhanh và chăm sóc sắc đẹp cho chị em. Lĩnh vực kinh doanh mới phù hợp với chị hơn và cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho việc duy trì cuộc sống tại Slovakia.

Một lý do khác khiến Đặng Lan Hương thấy gắn bó lâu dài với mảnh đất này là việc tham gia vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam tại Slovakia. Những hoạt động trong Hội đã cho chị cũng như các chị em khác một sân chơi rất bổ ích, được gặp gỡ giao lưu và được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn khi xa quê hương. Không chỉ truyền cho nhau những kinh nghiệm quý trong cuộc sống và làm ăn, những người phụ nữ Việt ở đây tìm được sự ấm áp nơi xứ người và hạnh phúc gia đình họ càng được bồi đắp.

Nơi gặp gỡ của tình chị em

Chị Đặng Lan Hương cho biết, Hội phụ nữ Việt Nam ra đời năm 2006 tại thủ đô Batislava và chị đã tham gia vào Hội ngay từ những ngày đầu tiên thành lập. Vì hoạt động tự phát nên Hội không có số lượng hội viên cụ thể và luôn chào đón tất cả các chị em phụ nữ khi có điều kiện tham gia. Những hoạt động chủ yếu của Hội là chia sẻ kiến thức về mọi lĩnh vực như sức khoẻ, nghề nghiệp, dạy tiếng Việt cho thế hệ con em kiều bào cũng như giữ gìn bản sắc văn hoá của Việt Nam qua các dịp lễ như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Quốc khánh 2/9, Tết cổ truyền dân tộc...

Hoạt động văn nghệ của chị em phụ nữ Việt tại Slovakia.

Hoạt động chủ yếu nhờ sự nhiệt tình của các chị em trong Ban chấp hành, Hội đã duy trì hoạt động trong suốt gần chục năm qua. Hàng năm, các thành viên vẫn thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo về sức khoẻ, về luật lao động, luật thuế, luật kinh doanh, luật cư trú, giáo dục và hướng nghiệp cho các cháu... Đặc biệt, Hội luôn tích cực hưởng ứng các phong trào trong nước , hoặc do Đại sứ quán ta phát động như Vì Người nghèo, Vì Biển Đảo, Trái tim cho em, vì học sinh biển đảo, ủng hộ đồng bào bão lụt... và những số tiền quyên góp từ tấm lòng của họ đã được chuyển trực tiếp hoặc qua Đại sứ quán gửi về Việt Nam.

Chị Đặng Lan Hương kể rằng, đời sống của chị em Việt Nam ở đây rất vất vả, mỗi người đều có nỗi khổ riêng vì mưu sinh. Thế nhưng, mỗi khi có hội hè hay ngày lễ, họ đều đến tham dự rất đông vui với những bộ trang phục đẹp nhất. Hiểu được những khó khăn trong việc hòa nhập với nước sở tại nên mỗi khi Hội mở lớp học tiếng Slovakia hay lớp học tiếng Việt, các chị em luôn sẵn sàng tham gia và động viên người thân đến học.

Hoạt động văn nghệ của chị em phụ nữ Việt tại Slovakia.

Không chỉ hướng cho con cháu hiểu biết về cội nguồn bằng các chuyến về thăm quê hương, tham gia hoạt động của người Việt hay ngoài giờ học ở trường về nhà phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, những phụ nữ như chị Hương còn chinh phục bạn bè nước sở tại bằng những món ăn ngon của Việt Nam. Trong việc kinh doanh ăn uống của mình, chị Hương luôn xác định phải có món ăn đặc sắc như nem, phở, bún...

Niềm vui sướng của chị là khi thấy những người sở tại "say" món phở Việt, thậm chí có người ngày nào cũng phải ghé vào quán ăn một bát phở mới chịu. Cũng vì mong muốn quảng bá cho ẩm thực Việt nên cứ có những buổi chiêu đãi của Đại sứ quán Việt Nam, các hội chợ ẩm thực hay sinh hoạt cộng đồng…, các chị em ở đây lại cố gắng mang những món ăn đặc trưng của Việt Nam đến trổ tài và giới thiệu tới đông đảo bạn bè quốc tế tại Slovakia.

Theo Hải Thanh
Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm