Người Pháp nhớ Bác Hồ

Nữ nhà báo Madeleine Riffaud vẫn luôn nhớ như in và kể rành rọt với chúng tôi về những câu chuyện giữa bà và Bác Hồ.

"Đừng nói nhiều với người Pháp về những nỗi đau đớn và chịu đựng của nhân dân Việt nam mà hãy giải thích cho họ hiểu dân tộc Việt nam đã vượt qua thế nào". Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi xưa đã luôn in đậm như một lời căn dặn suốt cuộc đời nữ nhà báo Madeleine Riffaud - người từng được Bác Hồ gọi thân mật là "con gái". Bà Riffaud, cùng nhiều người bạn Pháp, dành nhiều tình yêu và nỗi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi khi đến gần ngày Quốc khánh 2/9 của Việt nam.

Nữ nhà báo Madeleine Riffaud

Nữ nhà báo Madeleine Riffaud

Bà Madeleine Riffaud, dù cách đây vài ngày vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90, nhưng bà vẫn nhớ như in và kể rành rọt với chúng tôi về những câu chuyện giữa bà và Bác Hồ. Với bà, mỗi lời của Người dù rất giản dị nhưng luôn luôn sâu sắc và thấm đẫm triết lý sống nhân văn. Chính lần đầu tiên được gặp Bác tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946 đã thôi thúc nữ nhà báo trẻ tuổi Madeleine Riffaud đến Việt Nam, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Bà Madeleine Riffaud kể lại những lời căn dặn của Bác: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho tôi một bài học làm báo rất quý báu và tuyệt vời. Khi đó trận chiến diễn ra rất ác liệt. Bác Hồ đã nói 1 câu đã theo tôi suốt cuộc đời và giúp nhiều cho tôi trong cuộc sống và công việc. Người đã nói rằng: Đừng nói với người Pháp hoặc nói ít nhất có thể về những đau đớn chịu đựng của chúng tôi, mà hãy giải thích chúng tôi đã vượt qua những đau đớn ấy như thế nào. Câu nói ấy của Người đã theo tôi suốt cuộc đời, rằng dù khó đến đâu, cũng phải đấu tranh và vượt lên".

Những bức ảnh bà Madeleine Riffaud được gặp Bác Hồ

Những bức ảnh bà Madeleine Riffaud được gặp Bác Hồ

"Tôi vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn khi nghe đến sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy"- Đó là lời khẳng định của nhà sử học người Pháp yêu Việt Nam Alain Rouscio khi đến gần dịp kỷ niệm 69 năm Việt Nam giành được độc lập dân tộc 2/9/1945; nhưng cũng kỷ niệm 45 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh 2/9/1969.

Ông Rouscio nhớ lại thời điểm đó khi nghe tin buồn về sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông còn là một thanh niên trẻ và cảm thấy mất mát lớn không chỉ của dân tộc Việt nam mà còn của chính Đảng Cộng sản Pháp. " Tôi là một trong rất nhiều người Pháp khi ấy ngưỡng mộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để dành độc lập, tự do cho Việt Nam. Và chúng tôi cũng luôn nhớ Người là một thành viên sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp. Cuộc sống của Người khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất, kiệt xuất nhất của thế kỷ 20", ông Rouscio nói.

Nhà sử học Alain Rouscio từng chủ biên 2 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nay vẫn tiếp tục các nghiên cứu về Người, trong cương vị giám đốc trung tâm thông tin tư liệu về Việt nam (CID). Ông Rouscio cũng dành nhiều sự chú ý nghiên cứu bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Alain Rouscio chia sẻ: "Có hai bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản được công bố lần đầu năm 1969 được báo chí Pháp nói nhiều nhất. Trong đó, Người nói đến nhiều vấn đề quan trọng vẫn còn giá trị đến ngày nay là đoàn kết, xây dựng Đảng Cộng sản, chú trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ. Và theo tôi, thông điệp quan trọng nhất của Người là căn dặn những nhà lãnh đạo của các nước xã hội chủ nghĩa và cộng sản phải luôn chú ý đến lợi ích, nỗi thống khổ của nhân dân và phục vụ hàng đầu cho lợi ích của nhân dân".

Với nhà nghiên cứu Pierre Brocheux - tác giả cuốn "Hồ Chí Minh" (xuất bản năm 2000) cùng nhiều cuốn về lịch sử Việt nam và Đông Dương, bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản quan trọng và có giá trị. Theo ông, bản di chúc thể hiện những lo nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì nhân dân, thể hiện dấu ấn sâu sắc của văn hóa "gia đình" và niềm tin xã hội của Người. Nhà nghiên cứu Pierre Brocheux phân tích: bản di chúc cho thấy rõ con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một công dân Việt yêu nước điển hình đồng thời là một nhà cộng sản quốc tế. Và Người đã gắn kết các giá trị của phương Đông và phương Tây.

Các nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều cho rằng cần xuất bản thêm sách viết về bản di chúc của Người để thế hệ trẻ tại Pháp và các nước biết thêm về những giá trị mãi trường tồn với thời gian mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn từ 45 năm về trước.

Theo Thùy Vân
VOV