Một “cộng đồng yên tĩnh” ở Berlin

20.000 người gốc Việt với xuất xứ khác nhau đang sống ở Berlin. Trong lòng Lichtenberg có một Hà Nội nhỏ có thể nói đang hình thành một “cộng đồng yên tĩnh”. Đây là bài viết phản ánh cái nhìn riêng của các tác giả Tanja Buntrock, Susane Vieth - Entus và Sidney Gennies người Đức.

TTTM Đồng Xuân.

TTTM Đồng Xuân.
 
Mùi phở gà sực nức. Mùi nước luộc gà, mùi nhựa, hoa nhựa, đồ chơi nhựa, móng tay nhựa. Một người máy nhỏ trên kệ đang đang nhún nhảy điệu Gangnam Style. Những thương nhân người Việt tại Trung tâm Thương mại (TTTM) Đồng Xuân đã tạo ra một Hà Nội nhỏ trong lòng Lichtenberg. Đầy hào nhoáng và thành kiến, nhưng cũng đầy đủ các dấu vết đích thực của văn hóa Việt Nam.

20.000 người có xuất xứ từ Việt Nam đang sống và làm việc tại Berlin. Trong khu chợ ở Herzbergstraße, họ đã có một chút quê hương trên một đất nước xa lạ. Người dân quận Lichtenberger thì tìm được một điểm dã ngoại kỳ thú, ngay giữa những khu nhà lắp ghép bằng bê tông. Sự hối hả và nhộn nhịp trong khu chợ dễ làm người ta bỏ qua lịch sử đầy biến động, của một cộng đồng ít được chú ý, và hiện nay đang phải tranh đấu cho bản sắc văn hóa của họ.

Dọc những hành lang dài của khu chợ có một vài thương nhân ngồi hút thuốc. Bình thản, dửng dưng với mọi người xung quanh. “Mai sẽ có các ông chủ mới ở đây”. Hầu hết các cuộc trò chuyện đều chấm dứt một cách lịch sự, nhưng kiên quyết như vậy. Họ không cần chú ý đến khách vãng lai. Lợi nhuận thu được chủ yếu từ việc bán buôn chứ không phải bán lẻ. Những gì đang được bán ở đây, sẽ được đưa đi khắp thành phố bán rải rác trong các cửa hàng nhỏ và nhà hàng. Gạo trong bao 50kg, bàn mới cho tiệm móng tay, áo sơ mi trong gói mười chiếc, sách báo Việt Nam và các đĩa CD của những ca sĩ sẽ không bao giờ có sự đột phá ở nước Đức. Cộng đồng người Việt rất đa dạng.

Chiến tranh Việt Nam đã để lại chiến hào, tại Berlin. “Điều này đã đi vào lịch sử”, bà Monika Lüke người phụ trách về vấn đề hội nhập của Thành phố Berlin nói. “Chiến tranh Việt Nam đã để lại những rãnh sâu”. Chúng vẫn chưa được khắc phục hết. Năm 1975, khi miền Bắc và miền Nam thống nhất thành nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, CHDC Đức đã tuyển dụng chủ yếu lao động hợp đồng vào làm việc vất vả trong các nhà máy, kể cả tại Berlin. Việt Nam cần ngoại tệ, còn Đông Đức cần nhân lực giá rẻ. Cho tới khi nước Đức thống nhất, số nhân công này đã lên đến 60.000 người trên toàn quốc. Việc hội nhập của những người lao động này không bao giờ được dự kiến. Hầu như không có các khóa học ngôn ngữ, không có đào tạo nghành nghề.

Ở TTTM Đồng Xuân bạn nhận ra hậu quả lâu dài của việc này một cách rõ ràng. Nhiều người trong số những người lớn tuổi chỉ nói bập bẹ tiếng Đức. Ở Tây Đức và Tây Berlin người Việt chủ yếu là những người miền Nam Việt Nam, rời khỏi nước sau ngày Việt Nam thống nhất. Được công nhận là người tị nạn, họ đã được đào tạo ngôn ngữ và cấp giấy phép lao động. Theo một nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam ở Berlin của Bộ Hợp tác Kinh tế, những người nhập cư đã “hầu như hội nhập một cách trơn tru”. Ở Berlin số người này chiếm khoảng 25% tổng số người Việt Nam. Sau khi Đông Đức sụp đổ, phần đông số người Việt Nam còn lại không có giấy phép cư trú dài hạn. Nhiều người trong số họ đi buôn lậu thuốc lá, làm cho hình ảnh sai lệch về cộng đồng này còn tồn tại đến ngày nay.

Từ nhiều năm nay việc buôn bán thuốc lá bất hợp pháp đã giảm

Ông Mario Hein, một sĩ quan cảnh sát hình sự làm việc trong bộ phận chịu trách nhiệm về vấn đề buôn bán thuốc lá bất hợp pháp của Cơ quan hình sự quốc gia cho biết: “Trong bốn năm qua, số nghi phạm người Việt bị lưu vào hồ sơ, đã giảm một nửa. Một bộ phận người Việt Nam vẫn kiếm được tiền với việc đó. Nhưng xu hướng chung là “tham gia vào các công việc hợp pháp”.

Ông sĩ quan này biết người Việt Nam cần cù và đầy tham vọng, những tính cách thường được gán cho người Châu Á. Chính điều này đã đặt cộng đồng nằm trong một tình thế khó xử. Một mặt họ muốn cuộc sống của họ ở nước Đức không bị xáo trộn, mặt khác, họ muốn duy trì nền nếp văn hóa của mình để nó không bị nhấn chìm hình ảnh Châu Á đã bị Âu hóa. Càng kín đáo càng tốt, càng ít ầm ĩ càng hay. Tính cách này thường được quy cho người Việt Nam, có lẽ cũng có nguyên nhân lịch sử chẳng vẻ vang cho nước Đức: “Đặc biệt trong những năm 1990 đã có rất nhiều vụ phân biệt chủng tộc”, bà Lüke nói. Một trải nghiệm mà nhiều người nước ngoài đã phải trải qua và họ muốn tránh cho con họ việc đó thông qua sự kiềm chế.

Trẻ em nên học tiếng Việt

Không ai hội nhập tốt hơn trẻ em. Nhiều cháu hội nhập tốt đến mức chúng không còn nói được ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng. Trong năm tới, trường Barnim thuộc quận Lichtenberg sẽ đưa môn tiếng Việt vào chương trình giảng dạy làm môn tự chọn cho học sinh. “Chúng tôi muốn mở đường cho tiếng Việt” - Hiệu trưởng Detlef Schmidt-Ihnen nói - “Không chỉ riêng về mặt ngôn ngữ, mà cả văn hóa”. Một nhóm chuyên viên đã được hình thành và hiện một chương trình giảng dạy đang được phát triển. 245 trong 1.080 học sinh của ông có nguồn gốc từ Việt Nam.

Ông muốn xây dựng trường mình theo mô hình Trường trung học Bettina von Arnim của quận Reinickendorf. Trường này có môn tiếng Trung Quốc trong chương trình giảng dạy. Các trường trung học khác đã công bố sẽ học tập và đưa tiếng Việt vào chương trình ngoại khóa. Đại Sứ quán Việt Nam ủng hộ ý tưởng này, thực ra họ còn muốn bộ môn tiếng Việt được là môn ngoại ngữ chính thứ hai để giảng dạy trong trường. “Ngay thời điểm này thì chưa được”, ông Schmidt -Ihnen nói. Riêng câu “siêng năng như người Châu Á” thì ông công nhận. Tất cả các học sinh người Việt của ông đều thuộc diện khá và giỏi.

Nhân viên xã hội đấu tranh cho tài trợ

Nhân viên xã hội Phan Huy Thảo của Hội “Trống Cơm”, nhìn nhận vấn đề này một cách ít lạc quan hơn. “Mức độ giáo dục trong cộng đồng đang đi xuống”, ông nói. “Thay vì công nhân hợp đồng, bây giờ những người Việt sang Đức chủ yếu là dân các vùng quê. Họ dùng con đường cưới xin để trốn cái đói nghèo và nền giáo dục tồi tệ ở quê hương. Các Hiệp hội hội nhập còn quá nhiều việc để làm. “Tuy nhiên, một thách thức lớn là phải tìm đủ nguồn tài chính”, bà Luke nói. Ai không đủ sức theo sẽ phải bỏ cuộc? Trong văn phòng của bà Đặc phái viên phụ trách hội nhập thì công việc về người Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ.

Điều đầu tiên khách đến thăm TTTM Đồng Xuân phải học là… hội nhập. Một người phụ nữ trong bộ quần thể thao nói: “Chúng tôi đến chỉ vì tò mò. Tất cả các thứ ở đây thật điên rồ”. Nhưng rồi bà ta sẽ quen dần với mọi thứ một cách dễ dàng. Ngoài các cửa hàng thực phẩm đầy tôm, rượu gạo và trái cây lạ còn có một quán ăn nhanh. Chủ sở hữu người Việt quảng cáo nó với dòng chữ “xúc xích nướng chính hiệu Thüringen”.
 
Theo Lao động