Món quà ý nghĩa của Ấn Độ dành tặng hàng trăm người khuyết tật Việt Nam

(Dân trí) - Hàng trăm người khuyết tật Việt Nam đã may mắn được lắp chân giả để có thể đi lại bình thường nhờ sự hỗ trợ của tổ chức phi lợi nhuận Ấn Độ thông qua trại lắp chân giả trong tháng 7 và tháng 8 năm nay.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang thắp nến khai mạc Dự án lắp chân giả Jaipur Foot (Ảnh: Thành Đạt)
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang thắp nến khai mạc Dự án lắp chân giả Jaipur Foot (Ảnh: Thành Đạt)

Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam hôm nay 10/7 đã tổ chức lễ khai mạc Dự án lắp chân giả Jaipur Foot nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ thông qua Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và tổ chức Bhagwan Mahaveer Viklang Sahayara Samiti (BMVSS) sẽ tổ chức Trại lắp chân giả Jaipur Foot với mục đích lắp chân giả miễn phí cho người khuyết tật tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ trong tháng 7 và tháng 8 năm 2018.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pavathaneni Harish phát biểu tại lễ khai mạc (Ảnh: Thành Đạt)
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pavathaneni Harish phát biểu tại lễ khai mạc (Ảnh: Thành Đạt)

Ý tưởng tổ chức Trại lắp chân giả nhận được sự ủng hộ của bà Nguyễn Thị Hiền - Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trần Đại Quang và phu nhân tới Ấn Độ vào tháng 3/2018, bà Nguyễn Thị Hiền đã đến thăm trung tâm Jaipur Foot của BMVSS tại New Delhi và chứng kiến các hoạt động cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cũng như lắp chân giả Jaipur Foot. Bà Nguyễn Thị Hiền bày tỏ nguyện vọng muốn có một chương trình giúp đỡ cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam để họ có thể phục hồi chức năng nhờ chân giả Jaipur Foot.

Bà Nguyễn Thị Hiền cùng Đại sứ Harish trò chuyện cùng một em nhỏ được lắp hai chân giả thuộc dự án hỗ trợ của Ấn Độ (Ảnh: Thành Đạt)
Bà Nguyễn Thị Hiền cùng Đại sứ Harish trò chuyện cùng một em nhỏ được lắp hai chân giả thuộc dự án hỗ trợ của Ấn Độ (Ảnh: Thành Đạt)

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pavathaneni Harish nhấn mạnh ý nghĩa tốt đẹp của Trại lắp chân giả Jaipur Foot trong việc hỗ trợ các thương bệnh binh và người khuyết tật Việt Nam.

“Tháng 7 là tháng có nhiều ý nghĩa khi người dân trên toàn đất nước Việt Nam đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ. Chính phủ và nhân dân Ấn Độ rất vui mừng được tổ chức Trại lắp chân giả Jaipur Foot để giúp các thương bệnh binh và những người khuyết tật Việt Nam có thể nhận những đôi chân giả thông qua trại lắp chân giả này”, Đại sứ Harish nói.


Bà Nguyễn Thị Hiền và Đại sứ Harish chụp ảnh cùng đại diện những người khuyết tật được hỗ trợ lắp chân giả trong khuôn khổ dự án của Ấn Độ. (Ảnh: Thành Đạt)

Bà Nguyễn Thị Hiền và Đại sứ Harish chụp ảnh cùng đại diện những người khuyết tật được hỗ trợ lắp chân giả trong khuôn khổ dự án của Ấn Độ. (Ảnh: Thành Đạt)

Là tổ chức phi lợi nhuận ra đời với mục đích hỗ trợ người khuyết tật và giúp họ phục hồi khả năng di chuyển, BMVSS đã cử các kỹ thuật viên cũng như các trang thiết bị tới Việt Nam để lắp chân giả miễn phí cho 500 người khuyết tật tại Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Đoàn kỹ thuật viên của tổ chức BMVSS gồm 7 kỹ thuật viên, trong đó có hai kỹ thuật viên cấp cao Kishan Pal và Mukesh Bhai từng tham gia hơn 10 trại lắp chân tay giả quốc tế và có kinh nghiệm lắp hơn 5.000 chân tay giả.

Kỹ thuật viên Ấn Độ tham gia hỗ trợ lắp chân giả cho người khuyết tật Việt Nam trong khuôn khổ Trại lắp chân giả Jaipur Foot ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: Thành Đạt)
Kỹ thuật viên Ấn Độ tham gia hỗ trợ lắp chân giả cho người khuyết tật Việt Nam trong khuôn khổ Trại lắp chân giả Jaipur Foot ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: Thành Đạt)

Theo Đại sứ Harish, những đôi chân giả được lắp cho người khuyết tật Việt Nam tham gia Trại lắp chân giả Jaipur Foot lần này là “món quà” của chính phủ Ấn Độ và điều ông mong muốn nhìn thấy là những “nụ cười” của những người khuyết tật Việt Nam. Đại sứ Harish cũng khẳng định Ấn Độ sẽ nhân rộng chương trình hỗ trợ cho người khuyết tật Việt Nam trong thời gian tới và sẵn sàng đào tạo các kỹ thuật viên Việt Nam về các công nghệ mới trong việc hỗ trợ người khuyết tật.

Kể từ khi thành lập vào năm 1975, BMVSS đã hỗ trợ hơn 1,7 triệu người khuyết tật tại Ấn Độ và là tổ chức hỗ trợ người khuyết tật lớn nhất thế giới. Tất cả dịch vụ dành cho người khuyết tật do BMVSS thực hiện đều miễn phí. BMVSS từng thực hiện một dự án tại Hà Nội vào tháng 3/1994 và thực hiện 66 dự án khác tại 29 quốc gia, mang lại khả năng di chuyển cho hơn 26.000 người khuyết tật.

Thành Đạt