Hiến kế xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững

Dù ở các độ tuổi khác nhau, nhiều quốc gia khác nhau, song những kiều bào cùng chung một tâm huyết, một tấm lòng luôn hướng về quê hương, nguồn cội.

Sau hai ngày làm việc, sáng 13/11, lễ bế mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại đây, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những sáng kiến, hiến kế, đóng góp của kiều bào cho Thành phố. Ông Đinh La Thăng khẳng định lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành sẽ tiếp tục hợp tác, giữ liên hệ chặt chẽ thường xuyên với các đại biểu để triển khai các đề xuất cụ thể đồng thời tích cực tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của kiều bào.

Hội nghị đã nhận được gần 100 tham luận của kiều bào gửi về. Các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, trình độ nghiên cứu chuyên sâu và nhiều ý tưởng thiết thực gắn bó với các vấn đề phát triển của thành phố.

Đại biểu kiều bào tham dự chuyên đề “Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh”
Đại biểu kiều bào tham dự chuyên đề “Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh”

Hai chuyên đề “Kiều bào với phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức của thành phố Hồ Chí Minh” và “Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra song song trong buổi sáng 13/11 với nhiều bài tham luận về các vấn đề đầu tư, thị trường, nhận diện các rào cản nhằm thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc chương trình Thạc sỹ tài chính của Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, để xây dựng một nền kinh tế trí thức cần có một hệ sinh thái cho nền kinh tế trí thức đó.

Ông Bằng nói: "Tôi nghĩ, quan trọng nhất là phải nâng tầm nghiên cứu của các trung tâm công nghệ cao lên một tầm cao mới. Muốn như thế phải xây dựng một trung tâm nghiên cứu mạnh – một trường Đại học nghiên cứu, không nhất thiết là phải to lớn nhưng dứt khoát là chúng ta phải yêu cầu chất lượng nghiên cứu cao. Nếu có thể thì cần xây dựng đề án phát triển trường Đại học nghiên cứu đó lọt vào top 50 trên thế giới trong vòng 20 – 25 năm nữa. Điều đó không hề dễ, nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm được".

Ông Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc chương trình Thạc sỹ tài chính của Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, trình bày tham luận tại hội nghị.
Ông Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc chương trình Thạc sỹ tài chính của Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, trình bày tham luận tại hội nghị.

Ông Nguyễn Trí Dũng, người Việt ở Nhật Bản, đã hướng về thành phố Hồ Chí Minh bằng cách thành lập trung tâm tư vấn liên kết Việt Nhật, triển khai “Vườn ươm giấc mơ Việt Nam” nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế tới Việt Nam:

Ông Dũng trình bày ý kiến: "Chúng ta phải vận động những trung tâm lớn của thế giới, trong đó có Nhật Bản. Tôi đã vận động chuyên viên Nhật Bản về đào tạo cho Việt Nam. Tôi vận dụng những khoa học kỹ thuật của Nhật Bản về chuyển giao cho Việt Nam. Công việc của tôi là làm sao kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhu cầu của nhân dân. Chúng ta cùng đoàn kết, đồng tâm để xây dựng đất nước Việt Nam. Bởi đất nước Việt Nam có quyền được hưởng tất cả những hi sinh hơn một thế kỷ để có một đất nước như ngày hôm nay".

Hơn 50 tham luận trình bày tại hội nghị cùng các ý kiến trao đổi, phản hồi của Thành phố đã tạo không khí trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở. Đặc biệt những sáng kiến của các đại biểu trẻ tuổi thể hiện sự tiếp nối, chuyển giao diễn ra giữa các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị một lần nữa khẳng định các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng đồng hành với nhân dân trong nước trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh.

Tham dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ xúc động trước những người con xa Tổ quốc nhưng trái tim luôn hướng về đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, sự hiện diện của kiều bào ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước, khẳng định tiềm năng phát triển của đất nước không chỉ trong dải đất hình chữ S mà còn ở rất nhiều nơi trên hành tinh này.

Thủ tướng đánh giá các bài tham luận tại hội nghị thể hiện sự quan tâm, gửi gắm tâm huyết cũng như trách nhiệm của kiều bào đối với đất nước như quản lý rủi ro ngập lụt, xây dựng thí điểm thành phố khởi nghiệp đến các vấn đề chiến lược, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư...

Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc đề nghị Bộ Ngoại giao chọn lọc, ghi chép cẩn thận, quan tâm những đóng góp của bà con từ xa xôi về đây để bàn thảo sâu hơn, đề xuất các chương trình nghiên cứu, kế hoạch triển khai phù hợp. Thủ tướng kêu gọi sự chung sức chung lòng của bà con kiều bào, cùng đoàn kết xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước thêm giàu mạnh.

Trân trọng những đóng góp của kiều bào, cầu thị, lắng nghe những hiến kế của những người con xa Tổ quốc, đất nước sẽ phát huy được nguồn lực to lớn của kiều bào trong công cuộc đổi mới và phát triển bền vững, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đi đầu của cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế./.

Theo Hồng Anh, Lan Phương, Kim Dung/ VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm