Gặp Á hậu Séc về đón tết ở quê cha

Monika Leova là một trong 3 cô gái bước lên bục cao nhất trong cuộc thi nhan sắc năm 2013 Cộng hòa Séc. Từ một cô gái nhút nhát và mặc cảm ngày nào, cô đã nổi danh toàn Cộng hòa Séc và là niềm tự hào của cộng đồng người Việt ở Đông Âu.

Monika (ảnh do nhân vật cung cấp)

Monika (ảnh do nhân vật cung cấp)
Sáng mùng 8 tết Ất Mùi, tôi nhận điện thoại từ một người quen mời đến uống cà phê với Á hậu Séc giữa trung tâm phố núi Pleiku, để 11 giờ trưa hôm đó cô lên máy bay vào TP Hồ Chí Minh, trở lại Séc sau gần một tháng du xuân ở quê cha. Đầu Xuân quán xá đông người, song mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía “mấy cô Tây” trẻ trung, xinh đẹp đang hồn nhiên cắn hạt dưa, nhắp cà phê với những người thân Việt.

Monika sinh năm 1991, là con thứ 2 trong một gia đình có 3 chị em. Bố cô là ông Lê Đình Châu, quê xã Phú An, huyện An Khê (phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai). Năm 1982, sau khi học xong cấp 3, ông Châu cùng một số thanh niên khác lên đường sang Tiệp Khắc xuất khẩu lao động.

Những ngày sinh sống ở nước bạn, chàng thanh niên Việt đã yêu một cô gái Tiệp làm cùng xí nghiệp, năm 1988 họ quyết định đi đến hôn nhân. Đôi vợ chồng trẻ lần lượt sinh 2 gái, 1 trai mang hai dòng máu Việt-Séc. Monika có chị đầu và em trai út.

Monika kể: “Khi còn nhỏ, bạn bè đồng trang lứa hay cười nhạo và chế giễu tôi, đơn giản chỉ vì bề ngoài của tôi khác với họ. Làn da tôi rám nâu không giống các bạn. Màu tóc và mắt cũng khác. Tôi đã từng rất buồn và chạy về khóc với mẹ. Nhưng khi lớn dần, tôi lại thấy may mắn và tự hào. Chính sự khác biệt đó đã cho tôi nhiều cơ hội trong cuộc sống và công việc. Ngôi vị Á hậu Séc năm 2013 chính là một trong số đó. Khi nghe MC xướng tên mình đạt giải Á hậu 2, tôi lặng người, không tin vào tai mình”-Monika kể lại giây phút đăng quang với niềm hạnh phúc còn vẹn nguyên trên gương mặt.

Cô còn tâm sự, trước và trong khi tham gia cuộc thi, có người còn nói thẳng với tôi rằng, bạn hãy về Việt Nam mà thi thố vì đây là nơi để vinh danh nhan sắc của người Séc. Dù hơi buồn, tôi vẫn quyết tâm thi...

Ngôi nhà khá khang trang tại 164 Hoàng Văn Thụ-An Khê của gia đình bà Đỗ Thị Nhung - bà nội của Monika luôn treo một bức ảnh Monika trong tà áo dài nhung đen lấp lánh kim sa, đầu đội nón lá, miệng cười tươi, duyên dáng đứng chụp ảnh trước hiên nhà. Monika cho biết, cô đã về Việt Nam được 3 lần, trong đó 2 lần về cùng gia đình và 1 lần cô tự túc đi du lịch.

Monika nhớ lại: “Trước khi bay về Việt Nam, tôi đã rất hồi hộp và có chút lo sợ nhưng mẹ đã động viên tôi rằng, đó là một đất nước rất xinh đẹp, là quê hương của chúng tôi nên hãy cứ đón nhận và yêu nó bằng cả trái tim mình. Những lời ấy khiến tôi tự tin hơn”. Sau bao năm xa cách, cuộc hội ngộ giữa những người thân trong gia đình diễn ra đầy xúc động và có chút bỡ ngỡ. “Khi ấy, trừ bố, còn lại mẹ và chị em tôi gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, vì cách trở văn hóa cũng như thói quen sinh hoạt”-Monika chậm rãi kể.

Tuy khoảng thời gian ở quê nội không nhiều song cũng đủ để tình yêu quê Việt trong Monika lớn dần theo ngày tháng. Có lẽ vì thế mà khi chia tay về lại Séc, Monika nhớ mình đã khóc rất nhiều và sau đó đã nảy sinh quyết tâm tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam cũng như học tiếng Việt.

Monika cho biết, cũng trong lần đầu tiên hạnh ngộ, cô được bà nội may cho bộ áo dài màu đỏ và đã giữ làm kỷ niệm đến bây giờ. Vào những dịp lễ, Tết hay về Việt Nam đi lễ chùa, cô đều mặc áo dài. “Khoác lên mình trang phục ấy cùng chiếc nón lá đội đầu, tôi cảm thấy mình như một người phụ nữ Việt Nam thực thụ”-Monika nói với giọng tự hào. Bây giờ ở Séc song tuần nào cô cũng ăn vài ba lần những món ăn Việt.
 
Theo Huỳnh Kiên-Hồng Thi
Tiền Phong