Doanh nghiệp Việt góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam- Đức
Đại sứ quán Việt Nam tại Đức vừa tổ chức 2 hội thảo kinh tế về triển vọng to lớn về hợp tác giữa 2 nước.
Nhằm khai thác tốt hơn nữa tiềm năng to lớn của hai nước, thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Đức trong giai đoạn mới, ngày 22/6/2016, tại Berlin, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã tổ chức hai cuộc Hội thảo kinh tế quan trọng: “Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Đức trong những năm tới: Tiềm năng, cơ hội, triển vọng và những biện pháp thúc đẩy” và “Triển vọng to lớn của quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Đức và vai trò của các doanh nghiệp người Việt tại Đức”.
Các hội thảo trên được tổ chức nhằm giúp các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý kinh tế, doanh nghiệp hai nước nhìn nhận đầy đủ hơn về các tiềm năng to lớn trong quan hệ kinh tế của hai đối tác ở tầm chiến lược, những cơ hội mới đang mở ra, đánh giá các thuận lợi, thách thức và phương thức tiếp cận thị trường của nhau, từ đó trao đổi những biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Hội thảo thứ 2 là nhằm khích lệ các doanh nhân người Việt ở Đức, một cộng đồng rất đông đảo và đầy tiềm năng, tham gia với vai trò cầu nối trong quan hệ kinh tế, thương mại hai nước.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các Bộ Công Thương và Ngoại giao Việt Nam; các Bộ Kinh tế - Năng lượng Đức và Ngoại giao Đức cùng các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và gần 400 doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Đức trong những năm tới: Tiềm năng, cơ hội, triển vọng và những biện pháp thúc đẩy”, Đại sứ nước ta tại Đức Đoàn Xuân Hưng hào hứng chia sẻ tâm huyết cũng như lý do tại sao ông có ý tưởng tổ chức các hội thảo này.
Đại sứ nhấn mạnh trong mấy tháng qua, nhất là từ sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang tới CHLB Đức, Đại sứ quán đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao, nhất là ngoại giao kinh tế, với mong muốn tạo ra sự chuyển biến về chất trong quan hệ kinh tế Việt Nam và Đức. Hội thảo là một trong các hoạt động quan trọng nhất theo hướng này.
Theo Đại sứ, trong những năm qua, quan hệ kinh tế giữa hai nước không ngừng phát triển với kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng trên 10%/năm.
Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), cũng là nhà đầu tư EU lớn thứ năm ở Việt Nam với hơn 200 dự án có tổng số vốn đăng ký trên 1,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, một loạt các dự án ODA của Đức trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường, đào tạo nghề đang được triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện kim ngạch thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đức còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của hai nước. Đại sứ nhấn mạnh trong các cuộc tiếp xúc, nhiều doanh nghiệp Đức thực sự mong muốn đầu tư vào Việt Nam, song còn phân vân vì chưa hiểu rõ về thị trường Việt Nam cũng như cách thức để tận dụng và khai thác những tiềm năng sẵn có giữa hai nước.
Đại sứ cũng cho biết, nhiều chính khách, các nhà quản lý kinh tế, các doanh nhân Đức cho rằng đây đúng là thời điểm để cùng nhau nhận diện đúng cơ hội đã mở ra và cần tận dụng tốt cho việc thúc đẩy kinh tế, thương mại hai bên.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Uwe Beckmeyer và Tổng vụ trưởng Kinh tế, Bộ Ngoại giao Đức Dieter Haller đã phát biểu phân tích tiềm năng to lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đang mở ra cho doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ chính trị đang phát triển hết sức tốt đẹp, đồng thời cũng nêu định hướng của hai chính phủ mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác này, như một phần cốt lõi của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận và phát biểu của các đại biểu đều cho rằng hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn. Đức là nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, với tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ, trình độ sản xuất, công nghệ ở mức hàng đầu thế giới. Đức là đối tác kinh tế, thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới với hầu hết các đối tác chủ chốt. Nền kinh tế Đức có nhiều lĩnh vực tiên tiến, Đức muốn hợp tác với bên ngoài và Việt Nam lại đang cần hợp tác trong các lĩnh vực đó. Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có sự ổn định cao về chính trị, xã hội, đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Thị trường 90 triệu dân cũng hấp dẫn đối với các đối tác Đức.
Tuy qui mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Đức, Việt Nam và Đức vẫn có thể hợp tác cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực và có thể bổ sung cho nhau. Đặc biệt, với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN mới được thành lập, Việt Nam tham gia TPP, Việt Nam và EU ký Hiệp định FTA, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những triển vọng rất lạc quan. Những cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam cũng là những cơ hội mới cho quan hệ kinh tế Việt – Đức. Triển vọng quan hệ kinh tế, thương mại hai nước những năm tới là rất sáng sủa. Các doanh nghiệp hai nước cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.
Các nhà quản lý kinh tế và doanh nghiệp Đức cũng đã chia sẻ những thành tựu đạt được cũng như những vướng mắc trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng hai nước lắng nghe những vướng mắc và các đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp để từ đó có biện pháp tháo gỡ.
Theo kết quả một cuộc khảo sát về triển vọng phát triển kinh tế trong giới doanh nghiệp Đức tại Việt Nam do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) thực hiện, các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam rất lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển về trung hạn, trong đó nhận định nhiều doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư do tính hấp dẫn ngày càng lớn của thị trường Việt Nam sau khi ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng như FTA EU-Việt Nam hay TPP.
Cùng ngày tại khách sạn Maritim cũng diễn ra hội thảo với chủ đề “Triển vọng to lớn của quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Đức và vai trò của các doanh nghiệp của người Việt Nam tại Đức”.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe ý kiến phát biểu, phân tích của Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Việt Nam và ông Phạm Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức.
Các ý kiến này cho rằng, với một cộng đồng người Việt gần 125.000 người đang sinh sống, hội nhập thành công ở nước Đức, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn doanh nhân đã và đang hoạt động hiệu quả tại đây. Với kinh nghiệm, vốn sống, hiểu biết về nền văn hóa hai nước, luật lệ, tập quán hai bên, nhiều người thạo tiếng Đức, tiềm năng kinh tế của số đông kiều bào ngày càng được nâng cao, cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Đức sẽ có thể thành chất xúc tác, cầu nối hiệu quả cho quan hệ Việt – Đức nói chung và quan hệ kinh tế Việt – Đức nói riêng, tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra hiện nay đối với hai nước, vừa làm giàu cho doanh nghiệp mình, vừa góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế hai nước.
Cụ thể, các doanh nghiệp người Việt tại Đức có thể đầu tư trực tiếp về Việt Nam, tham gia kinh doanh giữa hai nước, làm môi giới, hỗ trợ các công ty Đức đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, liên doanh với các công ty Đức đầu tư vào Việt Nam, làm tư vấn pháp lý, tư vấn đầu tư, kinh doanh hai chiều, hỗ trợ các công ty Việt Nam tìm cơ hội đầu tư kinh doanh vào Đức, tham gia thúc đẩy du lịch, mang công nghệ Đức về Việt Nam…
Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để các doanh nghiệp người Việt tại Đức nêu lên các tâm tư, nguyện vọng và đề xuất đối với các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng và vai trò cầu nối của cộng đồng người Việt tại Đức.
Tại các phát biểu dẫn đề và tổng kết Hội thảo, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cảm ơn những người tham dự, đánh giá các hội thảo đã đạt mục đích đề ra, tin rằng các kết quả hội thảo tạo ra sự khích lệ mới thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai nước thời gian tới. Đại sứ cũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ nghiên cứu kỹ và phân loại các ý kiến đề xuất, nhất là về các biện pháp thúc đẩy quan hệ thời gian tới, những vướng mắc cần tháo gỡ và trong khả năng của mình Đại sứ quán sẽ tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp.
Với mục đích này, Đại sứ quán đã thành lập Ban công tác kinh tế của Đại sứ quán do Đại sứ trực tiếp chỉ đạo. Đại sứ quán cũng sẽ tổng hợp kết quả hội thảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước cũng như hỗ trợ các doanh nhân người Việt trong việc đóng vai trò cầu nối quan hệ hai bên xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng sẵn sàng hỗ trợ tổ chức các đoàn doanh nghiệp tại Đức về thăm các địa phương ở Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư; xác định và phát huy những lĩnh vực mà các doanh nghiệp người Việt tại Đức có thể tham gia đóng vai trò cầu nối, qua đó góp phần vào thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.
Sự quan tâm của lãnh đạo các bộ, ngành hai nước, sự tham gia đông đảo và tích cực của cộng đồng doanh nghiệp tại hai cuộc hội thảo đã cho thấy sức lan tỏa lớn và ý nghĩa thiết thực của sự kiện này trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đức./.
Một số hình ảnh khác về Hội thảo:
Theo CTV/VOV.VN (Ảnh: Văn Long)