Chất Việt trong lòng Paris
Tác nghiệp ở nước ngoài, đề tài mà cánh phóng viên chúng tôi luôn muốn khai thác là cuộc sống của người Việt nơi đất khách. Dù người Việt chỉ tập trung ở một quận, một khu phố hay thậm chí chỉ là vài nhà hàng thì đây vẫn luôn như một xã hội thu nhỏ, với những khám phá đầy thú vị.
Du học sinh Việt Nam tại Pháp.
Câu chuyện từ những quán phở
Đến Paris mà không tới Quận 13 sẽ là một thiếu sót lớn. Nơi đây được người Pháp gọi là khu của người châu Á. Khu phố này tập trung trong khu tam giác tạo bởi các con đường Rue de Tolbiac, Avenue d’Ivry và Rue Nationale với các siêu thị bán thực phẩm Á châu, nhà hàng, tiệm thuốc bắc, đồ cổ, sách báo, phim ảnh, đĩa nhạc và các dịch vụ như du lịch, điện thoại, mắt kính, thuốc tây...
Trong rất nhiều những dịch vụ người Việt mở ra, thì phở Việt luôn giữ vị trí đầu bảng. Có thể thấy rất nhiều cửa tiệm mang tên Việt tại đây: Phở Sài Gòn, nhà hàng Ớt Việt, My Canh, Phở Bờm… Quán Phở 13 là một trong rất nhiều tiệm ăn Việt với món bán chủ lực là phở tại khu Á châu tập trung ở hai cung đường Rue Baudricourt và Avenue D’Ivry. Đây chính là địa chỉ đầu tiên mà chúng tôi khám phá ở Quận 13.
Vừa nghe nhạc, vừa được xì xụp bát phở nóng, vừa nghe những câu chuyện mà chủ quán hay anh bồi bàn kể, còn gì thú vị bằng. Bên những bát phở nghi ngút và lượng khách ra vào tấp nập, câu chuyện quê nhà và về phở Việt trở nên sôi nổi giữa những người làm trong quán, trong đó có tôi.
“Vì sao phở vẫn giữ được hương vị như ở Việt Nam? Vì sao người Pháp thích ăn phở Việt như thế? Phở Việt đã tồn tại và cạnh tranh thế nào với các món ăn Trung Quốc?...” - đó là những câu hỏi mà bất cứ du khách Việt Nam nào đặt chân tới các quán phở Việt tại Quận 13 có lẽ cũng đặt ra.
Ông Nguyễn Văn Thái, chủ quán Phở Mùi trứ danh kể rằng, ông sang Pháp từ năm 1989 chật vật từng bước để lập nghiệp, rồi các quán phở Việt thay đổi ra sao trong cơn khủng hoảng kinh tế.
Phở Mùi vốn đã rất đông khách mỗi ngày, dịp Euro vừa rồi mỗi ngày quán bán hơn 300 bát phở. Có một điều đặc biệt là khi phở Việt trở thành nét văn hóa, là món ăn không thể thiếu, nhiều cửa hàng Trung Quốc cũng học làm phở, viết chữ Việt, nhưng không bao giờ “chất” bằng phở Việt “xịn”.
Ở Quận 13 có rất nhiều tấm gương đi lên từ hai bàn tay trắng. Anh Đoàn Ngọc Sinh (người Quảng Ngãi), chủ quán Phở Sài Gòn là một trong những người mà chúng tôi gặp. Anh Sinh kể sau thảm kịch khủng bố ngày 13-11 năm ngoái, cuộc sống của những người Việt sinh sống tại Pháp bị đảo lộn. “Từ đó đến nay công việc kinh doanh của cửa hàng mình vẫn chưa thể phục hồi, ngay cả dịp Euro lượng khách cũng không đông bằng trước đây”- anh Sinh chia sẻ.
Có hoạn nạn, khó khăn mới thấy người Việt yêu thương nhau như thế nào, nhất là nơi đất khách quê người. Anh Sinh kể rằng sau khi vụ khủng bố xảy ra, nhiều cửa hàng Việt đã phải đóng cửa. Không ít người phải đi vay nợ để trả tiền thuê cửa hàng. Chính anh Sinh cũng đã cho một số người bạn vay mà không lấy lãi.
Ở Quận 13 có nhiều người Việt như anh Sinh, anh Mùi. Họ hầu hết đều làm ăn chăm chỉ và có chí hướng cầu tiến, muốn mở rộng và phát triển kinh doanh để tạo cơ ngơi vững chắc.
Phở Mùi.
Nỗi nhớ quê hương
Tôi gặp An ở Quận 13. Cô gái có nước da trắng ngần và nụ cười tươi tắn, chủ động làm quen khi biết tôi là người Việt Nam. An đang theo học ngành du lịch tại Paris được 2 năm và đang làm thêm cho 2 cửa hàng bán đồ Việt.
An và rất nhiều bạn của mình đã tranh thủ thời gian nghỉ hè để đi làm thêm tại các nhà hàng ăn, trông trẻ… Một nhóm bạn của An đang theo học đại học ở Bordeaux thì xin vào các trang trại trồng nho để làm thêm.
An nói như chưa bao giờ được nói: “Pháp là điểm đến mơ ước của những sinh viên ở bất kỳ lĩnh vực nào có mong muốn được học tập trong một môi trường đỉnh cao của tinh hoa văn hóa. Ở các thành phố đại học lớn như Paris, Toulouse, Bordeaux, Lyon, Marseille… sinh viên Việt Nam tập trung đông nhất. Tại đây, các bạn trẻ Việt không chỉ có cơ hội được học tại các trường danh tiếng, mà họ cũng dễ dàng kiếm được những công việc để có thể tự trang trải việc học, sinh sống tại Pháp”.
An kể, hầu hết các bạn trẻ khi sang Pháp học tập đều lao vào làm thêm như điên. Kiếm tiền trang trải cuộc sống đã đành, tất cả đều muốn có những trải nghiệm, học hỏi thật nhiều để sau này về nước lập nghiệp.
So với những người Việt sang Pháp lâu năm, các bạn trẻ tham gia nhiều hoạt động với cộng đồng Việt nhiều hơn. Chính vì thế, tất cả đều rất đoàn kết, cùng hướng về tổ quốc thân yêu.
“Mỗi khi đọc tin ở quê nhà Việt Nam có bão, lũ, chúng em đều buồn đến phát khóc. Còn những dịp lễ, Tết thì càng nhớ quê hương. Các bạn trẻ mỗi khi gặp nhau đều động viên phải cố gắng học tập để sau này góp sức xây dựng đất nước”- An nghẹn ngào nói.
Một tháng ở Pháp, ở giữa lòng Paris cổ kính và tráng lệ, chúng tôi luôn cảm thấy nỗi nhớ quê hương da diết trong ánh mắt, hơi thở, nụ cười và trong mỗi cử chỉ của những người Việt xa xứ. Đó chính là cái hồn Việt không lẫn vào đâu được, dù có đi bất cứ nơi đâu…
Theo Ngọc Ngọc
Đại đoàn kết