1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nét đặc sắc tâm linh người Việt ở Pháp

Nước Pháp thuộc châu Âu cách xa về địa lý, nhưng liên đới lịch sử Việt Nam (VN) khá lâu đời. Hơn một thế kỷ, Đông Dương thuộc sự cai quản của nước Pháp. Ảnh hưởng văn hóa tâm linh là điều không thể tránh khỏi.

Cột mốc tâm linh nơi biên viễn Văn hóa tâm linh qua tượng nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên Ngựa đá tâm linh, ngơ ngác hồn du khách

Đông Dương là mảnh đất tam giáo hòa hợp. Thiên chúa giáo đã truyền vào VN từ lâu, nhưng chỉ thực sự phát triển khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh phía nam. Thiên chúa giáo mặc dù được chính quyền thuộc địa “bật đèn xanh” để dễ bề bình trị vẫn gặp phải sự kháng cự của tín ngưỡng, tôn giáo bản địa. Phật giáo khi đến VN, cũng phải hòa nhập với tín ngưỡng bản địa “thờ cúng tổ tiên” để cùng tồn tại.

Từ ngôi chùa đầu tiên 1919

Đầu Thế chiến I, nước Pháp thiếu nhân sự, bèn tuyển lính từ Đông Dương qua. Mặc dù Thiên chúa giáo đã có mặt hơn 200 năm ở VN, và đã có mặt hầu hết ở những nơi đông dân, phong tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đẹp của người Việt không hề bị xóa bỏ. Thiên chúa giáo không thờ cúng tổ tiên, không có bàn thờ cha mẹ, chỉ thờ Chúa. Những người lính Đông Dương từ khắp làng quê Việt sang Pháp mang theo tín ngưỡng tôn trọng thờ cúng tổ tiên”. Uống nước nhớ nguồn, cây sống được phải nhờ gốc rễ tốt.

Chùa thực chất là nơi sinh hoạt văn hóa và gặp gỡ mọi người, chia sẻ tâm tư, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Trên đất Pháp, nhà thờ khắp nơi. Những người lính gốc Việt vẫn mang theo tín ngưỡng và tôn giáo cổ truyền dân tộc. Hiểu được tâm tư của lính Việt, để lấy lòng đội quân này, chính quyền Pháp cho phép người Việt xa xứ được xây chùa để thờ tự và gặp gỡ nhau.

Khởi công từ 1908, ngày 6/4/1919, ngôi chùa Việt đầu tiên ở 13 rue Giraud, 83600, Fréjus được khánh thành. Fréjus là thị trấn lớn nhất phía đông thuộc tỉnh Var, ở miền Nam nước Pháp. Đầu thế kỷ 20, khu này chưa sầm uất. Một số trại lính đóng tạm chờ lệnh phân chuyển. Trại chủ yếu gồm lính gốc Phi và Việt thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4.

Sau Thế chiến I, lính Việt tản mạn khắp nơi. Chùa mang tên vị tướng Galliéni từng có mặt ở Đông Dương, bị bỏ hoang. Sau 1954, người Việt từ Đông Dương qua định cư đông ở phía Nam nước Pháp. Tâm linh truyền thống trở thành sức mạnh. Chùa được sửa sang lại. Năm 1967, chùa khôi phục và được Hòa thượng Thích Thanh Vực ghé thăm, đặt tên “Hồng Hiên tự”. Trong chùa có ghi hai câu đối nói lên ý nghĩa của tên chùa:

Hồng Lạc linh căn phương Việt địa, Hiên ngang hùng khí tráng Âu thiên. Tự ảnh cao tiêu dân tộc tính, Nguyệt quang thâm ấn bách tùng tâm.

(Tạm dịch:

Gốc thiêng Hồng Lạc, lừng thơm nơi đất Việt, Khí phách anh hùng, vang dội cả trời Âu.

Bóng chùa tỏa lan hồn dân tộc, Ánh trăng rọi bách tùng hiên ngang).

Một buổi tu tập ở chùa Linh Sơn - Joinville le Pont.
Một buổi tu tập ở chùa Linh Sơn - Joinville le Pont.

Năm 1979, Chính phủ Pháp tặng lại chùa Hồng Hiên cho Hội Phật giáo để thành lập Trung tâm Phật giáo. Chùa mở rộng thêm trên 6.000m². Trong khuôn viên rộng, có thư viện, thiền đường, phòng khách để đón khách thập phương vào những ngày đại lễ.

Trong chùa, rất nhiều tượng do Phật tử thành tâm cúng đường. Một pho tượng đồng cao 2m; tháp An Lạc treo chuông đồng theo mẫu chuông chùa Thiên Mụ, tăng thêm sự uy linh của chùa. Du khách nếu leo bộ có cảm giác như đang hành hương ở chùa Hương. Từ Cannes, đi ôtô vòng vèo đồi núi trập trùng lên đến chùa. Càng lên cao, không khí càng trong sạch, yên tĩnh không còn vướng bụi, xa dần sự ồn ào của thành phố Cannes đông đúc.

Hồng Hiên tự đã là một danh lam thắng cảnh của nước Pháp. Chùa xây trên quả đồi thấp, cây cối sum suê. Xa xa là Cannes - thành phố đã tổ chức 68 kỳ liên hoan phim quốc tế danh giá hàng đầu thế giới. Du khách ham tìm hiểu về chiến tranh Đông Dương, đến thăm Bảo tàng Chiến tranh Đông Dương hoành tráng mới xây cách đây không lâu ngự ở 862 đường Général Calliès, trên quốc lộ số 7, thuộc tỉnh Fréjus, sẽ ghé qua chùa - một kỷ niệm gắn với Thế chiến I, biểu tượng tâm linh của người Việt xa xứ.

Chùa Thế chiến II xây năm 1940

Thế chiến II, trong khoảng 1939-1940, có tới 20.000 người Đông Dương gần như bị cưỡng bức sang lao động bên Pháp để thay thế lực lượng đàn ông Pháp ra trận. Những người lao động gốc Việt này không nguôi nhớ quê hương. Tín ngưỡng, tâm linh dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ. Qua Pháp, trong các trại làm việc, họ cùng nhau lập chùa, đền thờ để bớt nhớ quê nhà.

Từ lâu, ở Việt Nam do tam giáo đồng nguyên, nhiều người càng không phân biệt nổi chùa, đền, đình miếu. Những lính thợ VN chủ yếu đi từ làng quê Việt, mù chữ, nhưng tâm linh thì không cần học. Tâm linh được kế thừa từ nhiều đời. Từ nhỏ lớn lên đều thấy cha mẹ thắp hương thờ cúng tổ tiên trên bàn thờ nơi trang trọng nhất trong nhà, thắp hương ở chùa cầu bình an, và thắp hương ở đền cầu thần thánh phù hộ... Vì thế, chùa, đền, thờ tổ tiên hòa hợp. Một ngôi đền đơn sơ xây tạm giữa trại nói lên sức mạnh tâm linh của người Việt nơi xa xứ.

Cuộc sống của họ rất khổ cực, thiếu thốn vì bản thân người Pháp thời đó cũng khổ vì chiến tranh. Họ sống như tù giam lỏng, suốt ngày làm việc ở nhà máy, nông trại, tối về tập trung trong trại. Sống hoàn cảnh như vậy, họ cũng không quên thờ cúng tổ tiên, tôn trọng tín ngưỡng dân gian. Ngôi chùa đơn sơ là khát vọng trở về quê hương, trở về cội nguồn dân tộc. Khi Thống chế Pétain đến trại để động viên đội lao động chân tay hải ngoại gốc Việt, đã ghé thăm chùa.

Sau này trại giải tán, chùa cũng tan. Đại đa số trở về Đông Dương, một số ở lại. Dù kết hôn với người Pháp, nhiều người vẫn giữ tín ngưỡng dân tộc.

Trúc Lâm Thiền Viện (Villebon-sur-Yvette).
Trúc Lâm Thiền Viện (Villebon-sur-Yvette).

Đến ngày nay

Do chiến tranh, do hoàn cảnh lịch sử, Pháp là nơi nhiều người Việt định cư lâu đời nhất châu Âu. Sau 1975, số lượng người Việt càng tăng. Vấn đề tâm linh luôn là nhu cầu trong tiềm thức người Việt. Nhiều chùa được xây dựng giai đoạn này, khi nhiều người Việt nhập cư.

Tâm linh dân tộc Việt càng thể hiện rõ qua sự tăng thêm các chùa, đền ở Pháp. Ngày nay có rất nhiều chùa đền ở Pháp. Chỉ riêng xung quanh ngoại ô phía Nam Paris đã có thể đến thăm gần 10 chùa Việt: Chùa Khánh Anh ở Bagneux và Evry; Chùa Trúc Lâm thiền viện (Villebon-sur-Yvette); Chùa Tĩnh độ Đạo Tràng (Krelin Bicêtre); Chùa Hoa Nghiêm (Villeneuve le Roi); Chùa Linh Sơn (Joinville le Pont); Chùa Quan Âm (Champigny sur Marne), Chùa Cao Đài (Alforville)…

Chưa kể một số chùa - đền - miếu do một số người tự lập để tụ tập sinh hoạt như đền thờ Đức Thánh Trần (ở Gentilly) - nơi hàng tháng tổ chức lên đồng, lấy quẻ thẻ đầu Xuân.

Tôi đã đến hầu hết các chùa Việt ở Pháp. Chùa Khánh Anh ở Bagneux gần nhà tôi, vốn là cái villa nhỏ sửa lại. Chùa Khuôn Việt rất bé. Chùa Khánh Anh mới xây rộng, nhưng chưa đưa vào sử dụng chính thức và ở tận Evry (cách trung tâm Paris 20km). Đẹp nhất là Trúc Lâm Thiền Viện, chùa nằm cạnh đồi rừng.

Chùa xa xứ có nhiều chức năng. Chùa không chỉ là nơi đến thờ Phật, gặp gỡ. Nhiều chùa lớn không còn là hoàn toàn là nơi thiền, yên tĩnh hoàn toàn mà thành nơi sinh hoạt văn hóa thường kỳ. Nhiều chùa tổ chức các lớp học dạy tiếng Việt, võ, múa hát, để giữ gìn và truyền bá văn hóa ngôn ngữ dân tộc như: chùa Linh Sơn, Trúc Lâm thiền viện.

Nhiều chùa tổ chức các bữa cơm chay lấy tiền xây chùa và giúp trẻ em nghèo, bão lụt ở VN. Chùa thường tổ chức những buổi giới thiệu về âm nhạc, văn hóa Việt, ẩm thực cơm chay, biểu diễn văn nghệ. Chùa Việt ở Pháp không chỉ có người Việt, mà nhiều người Pháp, trẻ em lai Việt đến viếng thăm, tham dự sinh hoạt.

Chùa xa quê hương 10.000 cây số mang đậm hương sắc quê hương. Ngày Tết, ghé thăm chùa, Phật tử cảm nhận được không khí quê hương đầm ấm. Khách hân hoan thưởng thức những buổi biểu diễn văn nghệ của các cộng đồng người Việt. Những điệu múa nón, múa quạt của các cháu thiếu nhi Pháp, Việt nhí nhảnh trên sân khấu, tuy không phải là chuyên nghiệp, nhưng là sự cố gắng của người Việt nơi xa xứ muốn giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập ở châu Âu.

Cám ơn những vị sư trụ trì nơi đây đã có cái nhìn xa, hiện đại, đầy nhân văn và tinh thần dân tộc, đã góp phần giữ gìn và tỏa lan văn hóa ngôn ngữ dân tộc và thế giới tâm linh Việt trên đất Pháp.

Theo Trần Thu Dung

An ninh thế giới