1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Từ Trái Đất đến Sao Hỏa: Hành trình tạo ra loài người phiên bản 2.0

Minh Khôi

(Dân trí) - Ý tưởng về những "người đàn ông nhỏ bé màu xanh" trên Sao Hỏa tưởng chừng như chỉ thuộc về thế giới khoa học viễn tưởng, nhưng các nghiên cứu hiện tại cho thấy giả thuyết này không hoàn toàn phi lý.

Từ Trái Đất đến Sao Hỏa: Hành trình tạo ra loài người phiên bản 2.0 - 1

Định cư trên Sao Hỏa được xem là một trong những thách thức kỹ thuật và sinh học lớn nhất mà nhân loại từng đối mặt (Ảnh: Getty).

Con người được hình thành trên Trái Đất, trải qua hàng triệu năm tiến hóa trong điều kiện lực hấp dẫn, khí quyển, nhiệt độ và từ trường đặc trưng của hành tinh này. Cùng với đó, mỗi tế bào của chúng ta, mỗi phản ứng sinh học trong cơ thể đều được tinh chỉnh để thích nghi với môi trường Trái Đất.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu con người cố gắng sống trên một hành tinh khác như Sao Hỏa, nơi mà lực hấp dẫn chỉ bằng 1/3 so với Trái Đất? Không chỉ vậy, ngay cả bầu khí quyển cũng cực kỳ loãng, chủ yếu là carbon dioxide, và bức xạ từ Mặt Trời gần như không được che chắn.

Viễn cảnh thiết lập các khu định cư trên Sao Hỏa được xem là một trong những thách thức kỹ thuật và sinh học lớn nhất mà nhân loại từng đối mặt.

Scott Solomon, giáo sư sinh học tại Đại học Rice, đã chỉ ra rằng nếu một khu định cư tự duy trì được thiết lập thành công trên Sao Hỏa, nó có thể khởi động một quỹ đạo tiến hóa hoàn toàn mới cho loài người (Homo sapiens).

Cụ thể, GS Solomon lập luận rằng các điều kiện khắc nghiệt trên Sao Hỏa sẽ tạo ra áp lực tiến hóa mới, dẫn đến những thay đổi về sinh học, di truyền và thậm chí hình thái cơ thể ở những người định cư.

Yếu tố biến con người thành một loài mới

Từ Trái Đất đến Sao Hỏa: Hành trình tạo ra loài người phiên bản 2.0 - 2

Nếu con người thành công định cư trên Sao Hỏa, chúng ta có thể sẽ tiến hóa thành một giống loài mới (Ảnh: Getty).

Một trong những thách thức sinh học lớn nhất trên Sao Hỏa là bức xạ vũ trụ. Không có từ quyển và bầu khí quyển dày để che chắn như Trái Đất, Sao Hỏa liên tục hứng chịu lượng bức xạ khổng lồ từ Mặt Trời và các sự kiện vũ trụ khác.

Dù các khu định cư có thể được xây dựng dưới lòng đất hoặc sử dụng các vật liệu che chắn bức xạ, cư dân Sao Hỏa vẫn sẽ phải đối mặt với tỷ lệ ung thư cao hơn và những đột biến gen do bức xạ gây ra.

Tuy nhiên, Solomon nhấn mạnh rằng chính những đột biến này sẽ làm gia tăng sự đa dạng di truyền - "nguyên liệu thô" cho chọn lọc tự nhiên hoạt động, từ đó đẩy nhanh quá trình thích nghi sinh học với môi trường mới.

Một trong những thay đổi có thể thấy rõ là sự tiến hóa của sắc tố da. Trên Trái Đất, eumelanin - sắc tố tạo lớp màu da tối - giúp bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím. Solomon dự đoán rằng trên Sao Hỏa, chọn lọc tự nhiên có thể ưu tiên những cá thể có khả năng sản xuất nhiều eumelanin hơn, dẫn đến làn da sẫm màu vượt trội, hoặc thậm chí hình thành các dạng sắc tố mới để bảo vệ khỏi các loại bức xạ khác.

Không loại trừ khả năng, cư dân Sao Hỏa trong tương lai có thể phát triển màu da xanh lục hoặc xanh lam, giống như hình tượng "người ngoài hành tinh" trong văn hóa đại chúng.

Định nghĩa lại khái niệm "con người"

Từ Trái Đất đến Sao Hỏa: Hành trình tạo ra loài người phiên bản 2.0 - 3

Con người có khả năng hình thành một phân loài mới nếu thành công định cư trên Sao Hỏa (Ảnh: Wikimedia Commons).

Khi xét đến thời gian tiến hóa, những thay đổi đáng kể có thể cần tới hàng thế kỷ hoặc thiên niên kỷ. Nếu dòng người định cư trên Sao Hỏa kéo dài qua nhiều thế hệ, khả năng hình thành một phân loài mới như Homo sapiens martianus là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, điều này cũng mở ra nhiều câu hỏi xã hội và đạo đức sâu sắc: Liệu những đứa trẻ sinh ra trên Sao Hỏa - chưa từng đặt chân lên Trái Đất - có nên được xem là cùng một loài với nhân loại gốc?

Việc chia cắt này có thể dẫn đến sự hình thành của một nền văn minh hai tầng, với những khác biệt không chỉ về sinh học mà còn về văn hóa và chính trị.

GS Solomon cảnh báo rằng khoa học viễn tưởng từng nhiều lần khai thác chủ đề này, và các nhà nghiên cứu hiện nay nên nghiêm túc cân nhắc các hệ quả lâu dài của việc mở rộng ra không gian.

Các vấn đề như bình đẳng sinh học, quyền di chuyển giữa các hành tinh, và nhân quyền liên hành tinh sẽ trở thành những chủ đề trung tâm trong tương lai.

Việc định cư trên Sao Hỏa không chỉ là bài toán về công nghệ hay sinh học, mà còn là phép thử về đạo đức, bản sắc và định nghĩa về "con người" trong một vũ trụ ngày càng rộng mở.

Theo www.iflscience.com