Phát hiện khoáng chất lạ trên Sao Hỏa: Sự sống từng tồn tại?
(Dân trí) - Phát hiện cho thấy hành tinh Đỏ từng có thể sinh sống được, và các mô hình khí hậu cổ đại được phân tích cho đến nay là chính xác.

Chân núi Sharp, địa điểm thám hiểm của tàu thám hiểm Curiosity (Ảnh: NASA/JPL).
Trong quá trình thám hiểm vùng chân núi Sharp thuộc miệng hố Gale trên Sao Hỏa, xe tự hành Curiosity của NASA đã phát hiện một lượng lớn khoáng chất cacbonat giàu sắt, mở ra manh mối quan trọng về khả năng từng có sự sống trên hành tinh Đỏ.
Phát hiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải mã lịch sử khí hậu cổ xưa và tiềm năng sinh sống của Sao Hỏa.
Theo NASA, cacbonat là khoáng chất hình thành khi carbon dioxide (CO₂) phản ứng với nước và đá, do đó chúng là chỉ dấu mạnh mẽ về sự tồn tại của nước lỏng trong quá khứ.
Trong nghiên cứu mới nhất được công bố, nhóm khoa học phát hiện siderite - một loại cacbonat giàu sắt - với hàm lượng đáng kể từ 5 đến 10% theo trọng lượng, đồng thời đi kèm với các muối dễ hòa tan trong nước, làm tăng thêm độ tin cậy cho giả thuyết rằng Sao Hỏa từng có điều kiện môi trường phù hợp với sự sống.
"Điều này cho thấy hành tinh này từng có thể sinh sống được, và các mô hình khí hậu cổ đại là chính xác", GS Ben Tutolo, nhà địa chất học tại Đại học Calgary, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.
Phát hiện thêm về sự hiện diện của sắt oxyhydroxide tại cùng địa điểm càng củng cố giả thiết rằng Sao Hỏa từng tồn tại một chu trình carbon hoạt động tương tự như Trái Đất hiện nay, nơi carbon dioxide được "khóa" trong đá và sau đó được giải phóng trở lại vào khí quyển theo thời gian.
Dựa trên dữ liệu thu thập bởi Curiosity và đối chiếu với thông tin từ vệ tinh quỹ đạo, các nhà khoa học ước tính những lớp trầm tích tương tự trên toàn hành tinh có thể đã "giữ" đến 36 milibar CO₂ khí quyển. Khối lượng này đủ để làm thay đổi đáng kể khí hậu của Sao Hỏa, cho phép nước lỏng tồn tại trên bề mặt.
Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa với nghiên cứu ngoài hành tinh mà còn gợi mở hướng đi mới trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu. GS Tutolo nhấn mạnh rằng quá trình biến CO₂ thành khoáng chất ổn định như cách đã thực hiện trên Sao Hỏa cũng chính là phương pháp được nghiên cứu để ứng dụng vào việc "khóa carbon" trên Trái Đất.
"Những gì chúng ta đang cố gắng làm trên Trái Đất để chống biến đổi khí hậu chính là điều mà thiên nhiên từng thực hiện trên Sao Hỏa", ông cho biết. "Việc nghiên cứu sự hình thành các khoáng chất cacbonat trên Sao Hỏa không chỉ giúp chúng ta hiểu về quá khứ hành tinh đó mà còn mở ra phương án kỹ thuật tiềm năng trong việc hấp thụ và lưu giữ CO₂ ở quy mô đa hành tinh".
Khám phá này tiếp tục củng cố giả thuyết rằng Sao Hỏa từng trải qua một thời kỳ ấm và ẩm, trước khi khí hậu thay đổi khiến nước lỏng biến mất và CO₂ bị kết tủa dưới dạng đá khoáng.