Sáp thơm gây ô nhiễm không khí ngang với động cơ ô tô
(Dân trí) - Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng sáp thơm và các sản phẩm tạo mùi thơm hóa học có thể gây ra mức độ ô nhiễm không khí trong nhà ngang ngửa với động cơ diesel hay bếp gas.

Sáp thơm được phát hiện là nguồn gây ô nhiễm không khí ngang với động cơ ô tô (Ảnh: Getty Images).
Chúng ta vẫn biết, sáp thơm thường được quảng cáo là ít gây ô nhiễm hơn so với nến, vì không có ngọn lửa và không tồn tại quá trình đốt cháy. Tuy nhiên, phát hiện mới đây cho thấy chúng vẫn có khả năng gây ô nhiễm không khí, và thậm chí ở một mức độ cao hơn.
Đó là vì ngay cả khi không có ngọn lửa hoặc khói, sáp thơm vẫn giải phóng nhiều hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hơn so với nến. Có thể cảm nhận điều này một cách rõ ràng khi chúng có mùi thơm hơn, và tan chảy trên diện tích bề mặt lớn hơn khi được đun nóng.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học từ Mỹ và Đức đã phát hiện ra rằng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, gọi là terpene, được tạo ra từ sáp ong và các sản phẩm tạo mùi thơm khác, có thể tương tác với ozone để tạo thành một số lượng lớn các hạt gây hại có kích thước nano.
Mặc dù tác động của những loại hạt này đối với sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng chúng đủ nhỏ để đi vào sâu bên trong phổi. Các nghiên cứu trước đây đã liên kết những hạt mịn này (còn được gọi là khí dung nanocluster), với các vấn đề như bệnh tim mạch và hô hấp.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Brandon Boor đến từ Đại học Purdue cho biết: "Ở quy mô nanomet, những hạt bụi phát ra từ sáp thơm phản ứng với ozone để tạo thành các cụm phân tử nhỏ. Chúng nhanh chóng phát tán và biến đổi trong không khí xung quanh chúng ta".
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy phân tích kích thước hạt có khả năng quét ở độ phân giải cao (PSMPS) và máy quang phổ khối truyền dẫn proton (PTR-TOF-MS) để kiểm tra kích thước hạt nano trong điều kiện mô phỏng căn nhà.
Theo các thí nghiệm được tiến hành, họ tìm thấy sự tồn tại của hàng tỷ hạt từ sáp thơm xâm nhập vào hệ hô hấp con người chỉ sau 20 phút tiếp xúc với các sản phẩm có mùi thơm.
"Không chỉ là nguồn thụ động tạo ra mùi thơm dễ chịu, chúng còn chủ động thay đổi tính chất hóa học của không khí trong nhà, dẫn đến sự hình thành các hạt nano ở nồng độ có thể gây ra những tác động đáng kể đến sức khỏe", báo cáo từ nghiên cứu cho biết.
"Các sản phẩm vệ sinh và hương liệu với mùi thơm hóa học thực chất là nguồn phát thải một lượng lớn ô nhiễm không khí ngay trong căn nhà mà bạn không hề hay biết", TS Brandon Boor nói thêm.
Trước đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy máy khuếch tán tinh dầu, máy làm mát không khí, chất khử trùng và các sản phẩm có mùi thơm khác cũng phát ra rất nhiều hạt nano.
Các nhà nghiên cứu có chung một đề xuất rằng các tòa nhà, hệ thống sưởi ấm và máy điều hòa không khí nên được thiết kế có tính toán để loại trừ mức độ ô nhiễm hạt nano trong căn nhà.