1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Xảy ra tai nạn máy bay, tại sao người ta lại tìm ngay đến chiếc hộp đen?

Minh Khôi

(Dân trí) - Hộp đen thực chất là loại thiết bị gì, có công dụng thế nào mà đóng vai trò quan trọng tới vậy?

Xảy ra tai nạn máy bay, tại sao người ta lại tìm ngay đến chiếc hộp đen? - 1

Toàn cảnh hiện trường vụ tai nạn máy bay C-130 ở Patikul, tỉnh Sulu, Philippines ngày 4/7/2021 (Ảnh: Reuters)

Ngày 6/7, Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines là Tướng Cirilito Sobejana cho hay, lực lượng chức năng đã thu hồi được hộp đen từ chiếc máy bay vận tải C-130 của không quân Philippines gặp nạn hôm 4/7, khiến 52 người thiệt mạng.

Tướng Sobejana cho biết thêm, hộp đen của máy bay C-130 sẽ giúp các nhà điều tra tìm hiểu chuyện gì xảy ra trước vụ tai nạn kinh hoàng nhất của lực lượng không quân Philippines trong gần 30 năm qua.

Dễ thấy hộp đen (black box) là một trong những từ khóa được nghe đến nhiều nhất khi những sự việc đau lòng về thảm họa máy bay xảy ra, đi liền với vai trò quan trọng của nó trong công cuộc tìm hiểu cũng như rút kinh nghiệm cho tương lai.

Vậy thực chất đây là loại thiết bị gì, có công dụng thế nào. Tại sao sau khi xảy ra tai nạn máy bay thì người ta lại tìm đến ngay đến chúng?

Định nghĩa "hộp đen"

"Hộp đen" không phải là tên gọi gốc được sử dụng trong ngành hàng không, mà tên gọi chính thức phải là "máy thu thập dữ liệu chuyến bay".

Hộp đen máy bay có dạng hình hộp, kích thước khoảng 20 cm x 30 cm, là một thiết bị điện tử được thiết kế, đặt trong cấu tạo máy bay.

Chúng ghi lại các dữ liệu liên quan, phục vụ cho nhiều mục đích điều tra, nghiên cứu, đặc biệt là những sự cố rủi ro. Mỗi hộp đen có giá thành rất đắt, rơi vào khoảng 10.000 - 15.000 USD/thiết bị.

Xảy ra tai nạn máy bay, tại sao người ta lại tìm ngay đến chiếc hộp đen? - 2

Hộp đen của máy bay Boeing 737 MAX 8 tại phòng thí nghiệm Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không của Pháp (BAE) (Ảnh: AFP)

Hiện tại, có hai phân loại thiết bị theo dõi máy bay được công nhận chính thức và sử dụng trong ngành theo luật quốc tế, gồm máy ghi dữ liệu chuyến bay và máy ghi âm buồng lái.

Trong đó, máy ghi dữ liệu chuyến bay thực hiện chức năng thu thập thông tin từ các máy đo hệ thống, bao gồm vận tốc, độ cao, góc bay… Còn máy ghi âm buồng lái thực hiện việc ghi lại các cuộc hội thoại và trò chuyện của phi công hoặc nhân viên phụ trách trong buồng.

Chúng hoạt động liên tục nhờ sử dụng điện từ động cơ của vật chủ. Thậm chí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động phát tín hiệu khi tách ra khỏi máy bay, hộp đen máy bay còn được trang bị nguồn năng lượng phụ.

"Hộp đen" thực tế không hề có màu đen, cấu tạo cực kỳ bền bỉ

Điều thú vị là hộp đen không hề có màu đen, mà được sơn màu da cam, cho phép các đội cứu hộ có thể tìm thấy được dễ dàng hơn.

Với những chức năng vô cùng quan trọng, hộp đen được thiết kế cực kỳ an toàn. Theo các tài liệu quân sự, hộp đen máy bay có thể chịu được nhiệt độ cao tới 1.100 độ C trong 30 phút liên tục và ngâm 30 ngày dưới độ sâu lên tới 6.100m.

Nó cũng có thể chịu lực tác động lên tới 3.400 lần so với khối lượng, vượt qua sự phá hủy khủng khiếp từ bất kỳ vụ nổ máy bay nào.

Trong khoảng thời gian bị tách rời khỏi máy bay, thiết bị báo tín hiệu trên hộp đen có khả năng phát các sóng siêu âm mỗi giây một lần và liên tục cho tới khi nguồn điện cạn kiệt.

Nếu máy bay rơi xuống biển, người ta sẽ sử dụng hệ thống định vị thủy âm được lắp trên các tàu ngầm, tàu cứu hộ,... để dò tìm, phát hiện ra hộp đen trước khi nó mất hoàn toàn tín hiệu.

Hộp đen cũng thường được đặt ở đuôi máy để giảm thiểu các tác động nếu máy bay xảy ra sự cố.

Tại sao phải tìm kiếm hộp đen sau tai nạn?

Sau khi xảy ra tai nạn máy bay, các nhà điều tra thông thường sẽ tìm ngay tới chiếc hộp đen bị thất lạc, vì chúng sẽ giúp họ tìm hiểu chuyện gì xảy ra trước vụ tai nạn thông qua các đoạn ghi âm nói chuyện giữa phi công và những người có mặt trên máy bay.

Khi đó, họ sẽ kết luận được nguyên nhân xảy ra tai nạn, và đưa ra cách khắc phục những điểm thiếu sót để phòng chống những tai nạn máy bay có thể xảy ra trong tương lai.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có Mỹ, Canada, Australia, Anh và Pháp có trình độ công nghệ để thực hiện việc phân tích hộp đen máy bay.

Xảy ra tai nạn máy bay, tại sao người ta lại tìm ngay đến chiếc hộp đen? - 3

Tiến sĩ David Warren phát minh ra hộp đen vào năm 1954.

"Ông tổ" của chiếc hộp đen là David Ronald de Mey Warren, một tiến sỹ người Úc.

Được biết, một vụ tai nạn máy bay năm 1934 đã làm cha của Warren thiệt mạng, khi ông mới chỉ 9 tuổi.

Từ khi xảy ra thảm kịch ấy tới thập niên 1950, ông đã dày công nghiên cứu, chế tạo một thiết bị ghi lại dữ liệu hành trình bay để hỗ trợ điều tra mọi thông tin khi có vấn đề bất trắc phát sinh, giảm nguy cơ lặp lại tai nạn về sau.

Năm 1956, sản phẩm chính thức ra mắt, nhưng tới tận 5 năm sau mới dần thu hút sự chú ý của công chúng và được áp dụng rộng rãi. Đó chính là chiếc "hộp đen" còn được sử dụng rộng rãi tới nay.

Dòng sự kiện: Tại sao lại thế?