1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vì sao đội tuyển Morocco được mệnh danh là "những chú sư tử Atlas"?

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhắc đến đội tuyển Morocco, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới biệt danh "những chú sư tử Atlas". Điều đó có nghĩa là gì?

Những con sư tử cuối cùng của phương Bắc

Vì sao đội tuyển Morocco được mệnh danh là những chú sư tử Atlas? - 1

Sư tử Atlas có thể hình vạm vỡ, bộ lông rậm rạp, đặc biệt là chiếc bờm rất lớn, phủ kín cho tới bụng (Ảnh: Getty).

Sư tử Atlas (còn gọi là sư tử Barbary, sư tử Ai Cập) là một phân họ sư tử sống ở Bắc Phi, nay đã tuyệt chủng trong điều kiện tự nhiên, và chỉ còn được tìm thấy với số lượng ít ỏi tại các vườn thú, khu bảo tồn.

Chúng được biết đến với ngoại hình to lớn, cơ bắp vạm vỡ, bộ lông rậm rạp, chiếc bờm dài, sẫm màu, kéo dài xuống tận lưng và dưới bụng (ở sư tử đực). Đây được xem là những đặc điểm tiến hóa của sư tử Atlas nhằm thích nghi với điều kiện khí hậu ở vùng Bắc Phi.

Cho đến năm 2017, sư tử Atlas vẫn được coi là một phân loài sư tử riêng biệt. Tuy nhiên sau đó, kết quả phân tích hình thái học và di truyền học của các mẫu vật sư tử từ Bắc Phi cho thấy sư tử Atlas không khác biệt đáng kể so với các mẫu vật sư tử được thu thập ở Tây Phi và phía Bắc của Trung Phi.

Vì sao đội tuyển Morocco được mệnh danh là những chú sư tử Atlas? - 2

Nhiều tài liệu cho rằng chúng từng lang thang khắp các sa mạc và vùng núi lạnh giá ở phía bắc châu Phi, trải từ Morocco đến Ai Cập. Thế nên loài này còn được gọi là Sư tử Ai Cập.

Theo ông Simon Black, giảng viên khoa học tại Đại học Kent (Anh), chỉ có khoảng 10% trong số các cá thể sư tử chọn cách dịch chuyển lên phương Bắc, trong khi phần lớn sẽ tiến về phương Nam.

Nguyên nhân xảy ra quá trình chọn lọc này là bởi sự mở rộng của sa mạc Sahara và những tác động địa chất liên quan khác, đã khiến cho quần thể sư tử bị chia tách, và buộc phải thích nghi với khí hậu và môi trường sống của từng khu vực.

Điều đáng buồn cho những con sư tử bị bỏ lại ở phương Bắc, bởi chúng chịu sự phân tán và áp lực đáng kể từ quá trình mở rộng đất đai, cũng như săn bắn từ con người trong suốt thế kỷ 19.

Sư tử Atlas khi ấy thường xuyên xuất hiện tại các đấu trường La Mã cổ đại, nơi chúng bị buộc tham gia vào những trận chiến chỉ để làm thỏa mãn thú vui giết chóc của người xem. Hàng trăm, hàng ngàn chú sư tử đã bị giết theo cách này.

Theo Nature, con sư tử Atlas cuối cùng đã biến mất kể từ năm 1922. Tính đến nay đã tròn 100 năm, bất chấp việc có rất nhiều cuộc săn lùng đã diễn ra, song không một con sư tử nào khác được tìm thấy trong tự nhiên.

Vì sao nhắc đến Morocco, người ta nhớ đến hình ảnh chú sư tử?

Vì sao đội tuyển Morocco được mệnh danh là những chú sư tử Atlas? - 3

Hai chú sư tử Atlas con chơi đùa tại một vườn thú ở Morocco (Ảnh: Getty).

Khi mọi người đều cho rằng sư tử Atlas đã bị tận diệt, thì điều bất ngờ đã xảy ra khi có vài chục cá thể được phát hiện còn sống sót trong điều kiện nuôi nhốt tại một vườn thú thuộc thành phố Rabat, Morocco.

Điều này hóa ra là một trong những nỗ lực đáng kinh ngạc của Quốc vương Mohammed V khi ấy. Được biết, ông đã kêu gọi để tìm kiếm và di chuyển từng con sư tử Atlas đến vườn thú của riêng mình để nuôi dưỡng chúng, trước khi vật lộn để cứu lấy những cá thể cuối cùng trên bờ vực tuyệt chủng.

Có lẽ bởi tình yêu của Quốc vương Mohammed V, nên hình ảnh 2 chú sư tử Atlas đang bảo vệ một chiếc vương miện đã được khắc ghi trên huy hiệu của vương quốc.

Vì sao đội tuyển Morocco được mệnh danh là những chú sư tử Atlas? - 4

Sư tử Atlas với ngoại hình đặc trưng, đã trở thành biểu tượng của Morocco (Ảnh: Getty).

Cùng với đó, đội bóng của quốc gia này cũng được người hâm mộ môn thể thao vua trìu mến đặt cho cái tên "những chú sư tử Atlas". Dần theo thời gian, những chú sư tử Atlas càng trở nên quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa và di truyền.

Cho tới nay, các nhà khoa học nỗ lực miệt mài để "hồi sinh" chúng, trong khi các nhà bảo tồn thì không ngừng tìm kiếm. Họ tin rằng quần thể sư tử cuối cùng ở phương Bắc có thể vẫn tồn tại ở một nơi nào đó trong tự nhiên, tránh xa khỏi tầm mắt của con người.

Dòng sự kiện: Tại sao lại thế?