DNews

Trung Quốc thành nhạc trưởng bản giao hưởng vũ trụ sau cú hạ cánh lịch sử

Nam Đoàn

(Dân trí) - Kỳ tích lịch sử của Trung Quốc trong chinh phục không gian đã chứng tỏ sự trưởng thành về công nghệ, nâng cao tiềm năng hợp tác quốc tế.

Trung Quốc thành nhạc trưởng bản giao hưởng vũ trụ sau cú hạ cánh lịch sử

Trước không gian rộng lớn, nhân loại là một cộng đồng có chung tương lai cùng chia sẻ vui buồn. Sứ mệnh Chang'e-6 (Thường Nga/Hằng Nga) đã hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu ở vùng tối của Mặt Trăng và giương cao lá cờ quốc gia Trung Quốc ở khu vực này.

Lá cờ đó không chỉ là niềm tự hào dân tộc của người dân Trung Quốc mà nó còn mang ước mơ chung của toàn nhân loại, bởi sứ mệnh Thường Nga-6 thuộc về Trung Quốc và cũng thuộc về toàn thể chúng ta.

Khi sứ mệnh Thường Nga-6 để lại hình ảnh về vẻ đẹp của Mặt Trăng cách xa chúng ta hàng nghìn kilomet, nó giống như một sự tượng trưng đầy sinh động về quan niệm xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại ngoài vũ trụ.

Nhạc trưởng của bản giao hưởng vũ trụ

Giờ đây, tàu vũ trụ Chang'e-6 đã thành công mang mẫu vật ở vùng tối Mặt Trăng trở về Trái Đất. Đó là điều mà các siêu cường vũ trụ như Nga và Mỹ chưa thực hiện được.

Trung Quốc thành nhạc trưởng bản giao hưởng vũ trụ sau cú hạ cánh lịch sử - 1
Trung Quốc thành nhạc trưởng bản giao hưởng vũ trụ sau cú hạ cánh lịch sử - 2

Lúc 13h07, chiều 25/6 theo giờ Việt Nam, khoang chứa mẫu vật Mặt Trăng của tàu Thường Nga-6 đáp xuống khu tự trị Nội Mông, khẳng định Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới 2 lần hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng và đây cũng là lần đầu tiên con người thu thập thành công mẫu vật tại khu vực xa của hành tinh này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng về sự thành công hoàn toàn của sứ mệnh Thường Nga-6: "Nó đánh dấu một thành tựu mang tính bước ngoặt khác trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành một cường quốc về khoa học và không gian".

Thành tựu lịch sử này không chỉ thể hiện bước đột phá về công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, nước này còn bổ sung thêm một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh khám phá Mặt Trăng của loài người.

Dĩ nhiên trước đó, nhiều quốc gia tin rằng cuộc đổ bộ của tàu Thường Nga-6 chứa đầy những rủi ro vì nhiều sứ mệnh đã thất bại trong hành trình chinh phục này. So với phía gần của Mặt Trăng, địa hình ở vùng tối gồ ghề, có nhiều miệng hố va chạm khiến việc chiếu sáng và tiếp cận khu vực này tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. 

Trung Quốc thành nhạc trưởng bản giao hưởng vũ trụ sau cú hạ cánh lịch sử - 3

Mẫu vật được chứa trong khoang của tàu vũ trụ Thường Nga-6 hứa hẹn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Hệ Mặt Trời (Ảnh: Engadet).

Chính vì thế, khi loạt hình ảnh được chụp bởi tàu đổ bộ Thường Nga-6 ở vùng tối Mặt Trăng được truyền trở lại mặt đất thông qua vệ tinh chuyển tiếp Quaqiao-2, cư dân mạng Trung Quốc, quốc tế và giới khoa học đã đồng loạt hào hứng tung hô với niềm tin rằng, tàu thăm dò sẽ giúp trả lời những câu hỏi then chốt về quá trình tiến hóa ban đầu của Hệ Mặt Trời.

Riêng đối với Trung Quốc, niềm vui này còn nhân đôi khi nó diễn ra vào đúng dịp quan trọng của đất nước: Kỷ niệm 20 năm thành lập dự án thám hiểm Mặt Trăng. Nhìn lại 20 năm qua là 20 năm "chấn động tâm hồn" trong lịch sử hàng không vũ trụ Trung Quốc.

Từ sứ mệnh Thường Nga-1 đến Thường Nga-6, ban đầu là những chuyến bay khám phá Mặt Trăng, khảo sát chi tiết địa hình, quan sát bề mặt hành tinh, rồi sau đó mạnh mẽ bước sang chinh phục vùng tối của ngôi sao này.

Giờ đây tàu vũ trụ của Trung Quốc đã mang mẫu vật trở về Trái Đất hứa hẹn sẽ mở mang thêm nhiều điều mới lạ đến chúng ta.

Thành công của sứ mệnh Chang'e-6 càng củng cố niềm tin và kỳ vọng của Trung Quốc, đó là sẽ đạt được mục tiêu đưa tàu vũ trụ cùng phi hành đoàn lên Mặt Trăng trước năm 2030, hoàn thành việc xây dựng trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế trước năm 2040.

"Việc thực hiện thành công sứ mệnh Thường Nga-6 đã đạt được những đột phá trong các công nghệ quan trọng như thiết kế tàu vũ trụ, kiểm soát quỹ đạo ngược của Mặt Trăng, lấy mẫu ở vùng tối và cất cánh trở về Trái Đất. Chúng đặt nền móng cho các sứ mệnh thám hiểm không gian sâu trong tương lai", giáo sư Kang Guohua, Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh bày tỏ.

Trung Quốc thành nhạc trưởng bản giao hưởng vũ trụ sau cú hạ cánh lịch sử - 4

Tên lửa Trường Chinh 5 của Trung Quốc mang theo tàu thăm dò sứ mệnh Thường Nga-6 trước khi được phóng vào không gian (Ảnh: The Sun).

Những thành tựu về không gian trong những năm gần đây cho thấy Trung Quốc đang là nhạc trưởng của bản giao hưởng vũ trụ. Đất nước đã đạt được những bước nhảy vọt trong cuộc đua chinh phục không gian mà không cần đến Mỹ, điều này có được chính là nhờ việc quốc gia sở hữu nền tảng công nghệ và trí tuệ lớn mạnh.

Chắc chắn rằng quá trình khám phá không gian của Trung Quốc còn mang lại lợi ích cho nhân loại, Trung Quốc luôn sẵn sàng thực hiện trao đổi và hợp tác quốc tế sâu rộng về không gian trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, sử dụng hòa bình và phát triển toàn diện.

Tiềm năng hợp tác quốc tế trong không gian

Sứ mệnh Chang'e 6 thành công không chỉ từ nỗ lực tuyệt vời của Trung Quốc, mà còn có sự hợp tác quốc tế như Cơ quan Vũ trụ Pháp, châu Âu, Ý và Pakistan. Điều này phần nào cho thấy, Trung Quốc sẵn sàng và mong muốn hợp tác với tất cả các quốc gia vì sự tiến bộ của nhân loại. 

"Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc. Đất nước sẵn sàng tiếp tục hợp tác với những đối tác quốc tế có cùng chí hướng để khám phá không gian vũ trụ chung của nhân loại, hiện thực hóa ước mơ chung của mọi người.

Ước mơ đó chính là khám phá thêm về Mặt Trăng và thúc đẩy nỗ lực chung của thế giới trong việc chinh phục vũ trụ một cách hòa bình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning vui mừng chia sẻ về thành công của Chang'e-6.

Đáng buồn là mong muốn này khó có được sự chấp thuận của Mỹ, quốc gia đã từ chối hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian.

Trước đó, Hoa Kỳ đã cấm Trung Quốc đưa phi hành gia của mình lên cỗ máy nhân tạo ngoài không gian - Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng hoàn thành trạm vũ trụ độc lập của riêng mình vào năm 2022, tên là Tiangong - Thiên Cung.

Trung Quốc thành nhạc trưởng bản giao hưởng vũ trụ sau cú hạ cánh lịch sử - 5

Trạm Vũ trụ Thiên Cung do Trung Quốc xây dựng ngoài không gian (Ảnh: Slate).

Trong khi Mỹ vẫn chưa thể đưa tàu đổ bộ lên vùng tối của Mặt Trăng, tàu Thường Nga-6 đã đạt được bước tiến lớn hơn chính là thu thập thành công mẫu vật và mang về Trái Đất.

Rõ ràng Trung Quốc đang đưa nhân loại tiến một bước gần hơn đến việc làm sáng tỏ những bí ẩn về vùng tối của Mặt Trăng, mang đến những chân trời và khả năng mới.

Năng lực không gian ngày càng tăng của Trung Quốc không chỉ phản ánh sự phát triển kinh tế và công nghệ rộng hơn của nước này. Đã đến lúc chúng ta nhận ra rằng chinh phục vũ trụ không chỉ là một cuộc đua, đó là một cuộc hành trình và trên con đường mới này luôn có chỗ cho tất cả mọi người.