Tranh cãi nguồn gốc mảnh vỡ "lang thang" đe dọa Mặt Trăng
(Dân trí) - Việc phóng quá nhiều vệ tinh và các tàu vũ trụ lên không gian đang cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn của rác vũ trụ.
Cách đây không lâu, các chuyên gia từng lên tiếng cảnh báo về một mảnh vỡ của tên lửa SpaceX đã ngừng hoạt động - có ký hiệu là WE0913A, đang trong hành trình lao thẳng tới Mặt Trăng sau gần 7 năm "trôi lạc".
Nhiều nguồn tin lớn khi ấy xác nhận tên lửa này được phóng từ Florida (Mỹ) vào năm 2015 để triển khai sứ mệnh Đài quan sát Khí hậu Không gian Sâu. Nhưng kể từ khi hết nhiên liệu, tên lửa nặng 4,4 tấn được cho là đã bị hỏng, và di chuyển với quỹ đạo hỗn loạn.
Chuyến đi kéo dài gần một thập kỷ của tên lửa đã khơi lại cuộc thảo luận về các mảnh vỡ không gian và việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm pháp lý trong việc theo dõi rác trôi nổi bên ngoài bầu khí quyển của Trái Đất.
Trong khi SpaceX vẫn chưa đưa ra phản hồi nào, thì trong một tuyên bố hôm 12/2, nhà thiên văn học người Mỹ Bill Gray bất ngờ lên tiếng đính chính rằng mảnh vỡ này không phải có nguồn gốc từ tên lửa Falcon 9. Thay vào đó, nó thuộc về tên lửa Trường Chinh 3C, được phóng vào tháng 10/2014 trong khuôn khổ chương trình thám hiểm Mặt Trăng Hằng Nga 5 T1 (Chang'e 5-T1) của Trung Quốc.
Cho tới nay, những tranh cãi xung quanh mảnh vỡ "lang thang" này vẫn chưa chấm dứt. Ngày 21/1, Wang Wenbin, Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận trách nhiệm và khẳng định tên lửa trong sứ mệnh Chang'e 5 đã quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất sau khi hoàn thành nhiệm vụ và "bốc cháy hoàn toàn".
"Trung Quốc đã ghi nhận phân tích của các chuyên gia và báo cáo của các phương tiện truyền thông về vấn đề này", ông Wang nói. "Những nỗ lực trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc luôn tuân thủ luật pháp quốc tế".
Tuy nhiên theo Space News, dường như đã có sự nhầm lẫn ở đây, khi phía Trung Quốc đề cập đến "sứ mệnh Chang'e 5" chứ không phải "sứ mệnh Chang'e 5-T1.
Sự nhầm lẫn này đang được làm rõ, vì sứ mệnh Chang'e 5-T1 của Trung Quốc (được thực hiện vào năm 2014) mới là trường hợp với các mảnh vỡ được dự đoán là sẽ va vào Mặt Trăng, trong khi sứ mệnh Chang'e 5 (thực hiện vào năm 2020) với nhiệm vụ thu thập các mẫu vật từ Mặt Trăng, đã quay trở lại Trái Đất an toàn sau khoảng 1 tuần được phóng đi.
Dù là trường hợp nào, những tranh cãi liên quan tới vụ va chạm sắp tới đã làm nổi bật mối quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế về tác động của những mảnh vỡ "trôi dạt" trong không gian, đặc biệt là khi có ngày càng nhiều các sứ mệnh được triển khai.
"Mặc dù đây không phải là tác động có hại nhất, nhưng ý tưởng về rất nhiều vật thể trong không gian với quỹ đạo và danh tính không xác định là điều đáng lo ngại", Grace Halferty - nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona cho biết. "Chúng ta cần quản lý tình trạng giao thông trên không gian tốt hơn."
Vishnu Reddy, đến từ Văn phòng Nhận thức mối đe dọa Không gian cũng cảnh báo rằng "rác không gian đang ngày càng gia tăng", đồng thời cho rằng mối đe dọa về tình trạng ô nhiễm bầu khí quyển đang ngày càng được cộng đồng khoa học lưu tâm.