Tên lửa SpaceX mất kiểm soát, sắp lao thẳng vào Mặt Trăng?

Minh Khôi

(Dân trí) - Các chuyên gia cho biết một tên lửa SpaceX đang trong hành trình lao thẳng tới Mặt Trăng sau gần 7 năm "trôi lạc" trong không gian.

Tên lửa SpaceX mất kiểm soát, sắp lao thẳng vào Mặt Trăng? - 1

Theo The Verge, tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX được phóng từ Florida (Mỹ) vào năm 2015 để triển khai sứ mệnh Đài quan sát Khí hậu Không gian Sâu. Nhưng kể từ khi hết nhiên liệu, tên lửa nặng 4,4 tấn được cho là đã bị hỏng, và di chuyển với quỹ đạo hỗn loạn.

Với lý do này, các nhà quan sát không gian tin rằng tên lửa của SpaceX sẽ va chạm với bề mặt của Mặt Trăng với vận tốc khoảng 2,58km/s trong vài tuần nữa. SpaceX chưa có phản hồi nào liên quan tới sự việc nêu trên.

Về việc tên lửa "đi lạc" trong không gian, nhà khí tượng học Eric Berger giải thích rằng ở giai đoạn này, tên lửa ở quá xa để không thể có đủ nhiên liệu quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất, nhưng cũng "thiếu năng lượng để thoát khỏi lực hấp dẫn nằm giữa Trái Đất - Mặt Trăng" .

"Phần trên của Falcon 9 rất có thể sẽ va vào phía xa của Mặt Trăng, gần đường xích đạo, vào ngày 4/3", nhà phân tích dữ liệu Bill Gray, người chuyên viết phần mềm để theo dõi các vật thể gần Trái Đất cho biết.

Dẫu vậy theo Gray, những tác động với bề mặt của Mặt Trăng có thể là rất nhỏ, và thậm chí không thể quan sát.

Tên lửa SpaceX mất kiểm soát, sắp lao thẳng vào Mặt Trăng? - 2

Quỹ đạo hỗn loạn của tên lửa Falcon 9 (Ảnh: Bill Grey).

Jonathan McDowell, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Harvard, dự báo tên lửa này sẽ hạ cánh ở đâu đó xung quanh đường xích đạo của Mặt Trăng, có nghĩa là tác động có thể sẽ không được quan sát. Nhưng quỹ đạo của nó không chắc chắn và có thể bị thay đổi bởi một số yếu tố, bao gồm cả áp suất bức xạ từ ánh sáng mặt trời, có thể khiến tên lửa lao sang một bên.

Đây không phải là lần đầu tiên một vệ tinh do con người tạo ra đã đâm vào Mặt Trăng. Năm 2009, Vệ tinh quan sát và cảm biến miệng núi lửa của NASA được phóng lên cực nam của Mặt Trăng với vận tốc 9.000 km/h, phóng ra một chùm tia cho phép các nhà khoa học phát hiện các dấu hiệu chính của băng nước.

Trước đó, trong nhiều sứ mệnh của Apollo, NASA cũng đã đâm các tầng tên lửa đẩy (S-IVB) xuống Mặt Trăng, nhằm tính toán các phép đo địa chấn để giúp họ mô tả đặc điểm trên Mặt Trăng trước khi hạ cánh.

Các vụ va chạm có chủ đích vào Mặt Trăng hoặc các tiểu hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời của chúng ta cũng được các nhà khoa học đánh giá là "hữu ích", vì điều này giúp loại bỏ bớt các mảnh vỡ trôi dạt trong không gian.