Mảnh vỡ khổng lồ từ tên lửa của Trung Quốc rơi tự do xuống Trái Đất
(Dân trí) - Mảnh vỡ của tên lửa Long March 5B có kích thước khoảng 30 mét chiều dài và rộng 5 mét, nặng tới 20 tấn – nặng gấp ba lần một con voi.
Các chuyên gia tiết lộ, một mảnh vỡ khổng lồ từ tên lửa của Trung Quốc đã lao ầm ầm xuống bầu khí quyển của Trái Đất. Mảnh vỡ của tên lửa Long March 5B có kích thước khoảng 30 mét chiều dài và rộng 5 mét, nặng tới 20 tấn – nặng gấp ba lần một con voi. Điều này khiến cho nó trở thành vật thể lớn nhất tái xâm nhập vào bầu khí quyển Trái Đất ở tình trạng không kiểm soát trong vòng 30 năm qua.
Theo Phi đội Kiểm soát Vũ trụ số 18 của Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ, mảnh vỡ này rơi xuống Trái Đất vào khoảng 10h30 tối ngày 11 tháng 5 (giờ Việt Nam), nó quay trở lại Trái Đất tại một nơi thuộc ngoài khơi bờ biển phía Tây của châu Phi.
Rất may là phần lớn các bộ phận của tên lửa này có khả năng đã bị bốc cháy khi nó rơi trở lại bầu khí quyển, mặc dù một số mảnh vẫn có thể rơi xuống Trái Đất.
Mảnh vỡ từ tên lửa Long March 5 của Trung Quốc được phóng vào ngày 5 tháng 5 vừa qua, tên lửa này được thiết kế để phóng các mô-đun cho trạm vũ trụ mà Trung Quốc đã lập kế hoạch.
Trong khi các tầng của tên lửa kiểu cũ thường quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất, hiếm khi các mảnh lớn này tạo ra những mảnh vỡ rơi không kiểm soát.
Các cơ quan vũ trụ gồm cả NASA và SpaceX thường cố gắng định hướng các tầng tên lửa rơi xuống các đại dương, với hy vọng giảm nguy cơ những mảnh vỡ này rơi xuống các khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, nói thì luôn dễ hơn làm.
Chỉ cần dự đoán lệch một phút về thời gian trở lại Trái Đất cũng làm vị trí các mảnh vỡ rơi xuống thay đổi gần 500 km, Aerospace Corp cho biết.
Rất may mắn khi trong trường hợp này, bất kỳ mảnh vỡ nào có thể chạm đất cũng đã rơi xuống biển.
Trung Quốc đã lên kế hoạch phóng thêm ít nhất ba tên lửa nữa trong năm 2021 và 2022, do đó, khả năng sẽ còn nhiều các tên lửa rơi trở lại Trái Đất mà không được kiểm soát.
Ngọc Anh
Theo Mirror