Trái Đất tiến gần hơn đến thảm họa khí hậu trong năm 2022
(Dân trí) - Khí hậu Trái đất đang nóng lên và các dấu hiệu đều cho thấy chúng ta đang tiến gần hơn đến thảm họa khí hậu, từ những dòng sông băng biến mất cho đến những "virus xác sống" thức tỉnh.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng khí hậu Trái Đất đang nóng lên một cách đáng kể, gây ra tác động tàn phá tới động vật, thực vật và con người. Nếu chúng ta không hạn chế việc phát thải khí nhà kính một cách quyết liệt và nhanh chóng, một tương lai thậm chí còn đáng sợ hơn sẽ tới gần.
Từ "virus xác sống" thức tỉnh cho đến việc gấu Bắc Cực đối mặt sự đe dọa, dưới những dấu hiệu cho thấy khí hậu Trái Đất đang tiến đến ngưỡng mất kiểm soát.
1. "Virus xác sống" thức dậy
Virus xác sống (còn gọi là virus zombie) đang được hồi sinh từ lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Chúng được xem là một trong những con "quái vật cổ đại" có thể gây ra mối đe dọa cho con người.
Tới nay, các nhà nghiên cứu đã khai quật được tổng cộng 13 loại virus từ Siberia vẫn tồn tại sau nhiều thế kỷ tưởng như biến mất.
Vi khuẩn có từ thời cổ đại này đã bị nhốt sâu trong lòng đất đóng băng ở Siberia hàng chục nghìn năm, nhưng giờ đây, chúng một lần nữa thức dậy do sự tan chảy của lớp băng ở Bắc Cực.
2. Mực nước biển dâng cao
Mực nước biển dâng cao là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất về biến đổi khí hậu, và cũng gây ra nhiều hệ quả đáng sợ, bao gồm: Xói mòn, lũ lụt, đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, mất môi trường sống cho cá, chim và thực vật.
Các nhà khoa học dự đoán các đường bờ biển ở dọc nước Mỹ có thể tăng trung bình 30 cm vào năm 2050.
3. Sông băng biến mất
Yellowstone và Yosemite, hai trong số những công viên quốc gia mang tính biểu tượng nhất ở Mỹ, có thể mất đi hoàn toàn các sông băng vào năm 2050.
Báo cáo cho thấy vào cuối thế kỷ này, một nửa lớp băng bao phủ trên thế giới có thể biến mất nếu chúng ta không giảm lượng phát thải. Ngay cả khi tình trạng được cải thiện, ước tính sẽ có gần 1/3 số sông băng biến mất.
4. Khí hậu trở nên hỗn loạn
Khí hậu Trái Đất đang có những dấu hiệu trở nên hỗn loạn. Đó là hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu, hay nói cách khác là khiến thời tiết trở nên thất thường và khó lường hơn.
Nếu may mắn, Trái Đất sẽ ổn định ở nhiệt độ mới ấm hơn. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, các nhà khoa học dự đoán các mùa sẽ dao động mạnh từ năm này sang năm khác. Cùng với đó, các giai đoạn nóng và lạnh nối tiếp nhau cũng nhanh hơn nhiều so với hiện tại.
5. Gấu Bắc cực sống chung với rác thải
Gấu Bắc cực đang bị buộc phải ăn rác và tã lót bẩn thay vì cá và hải cẩu. Điều này đến từ việc chúng bị mất đi môi trường sống và kiếm ăn ổn định là lớp băng biển.
6. Thời tiết trở nên xấu hơn
Bên cạnh việc có những biến động thất thường, thời tiết cũng ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nơi nóng sẽ nóng hơn, những nơi lạnh hơn sẽ lạnh hơn, hạn hán và lũ lụt sẽ nghiêm trọng hơn, và những cơn bão sẽ có tốc độ gió ngày càng gia tăng.
7. Quần thể chim cánh cụt bị đe dọa
Ngày 25/10, Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ (USFWS) chính thức tuyên bố đưa chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) vào danh sách những loài bị đe dọa, và yêu cầu mở rộng các biện pháp để bảo vệ chúng.
Theo USFWS, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến lượng băng biển bị mất đi, số lượng loài chim này được cảnh báo sẽ giảm "một phần đáng kể" trong tương lai gần, cụ thể là khoảng 26% vào năm 2050. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng lên thành 50% nếu lượng phát thải carbon ở mức quá cao.
8. Tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6
Nhiều nhà khoa học dự đoán Trái Đất đang hướng tới kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6. Năm lần trước đó, khi trải qua những kỳ tuyệt chủng, Trái Đất đã "chao đảo" khi nhiều dải sự sống rộng lớn trên hành tinh đã chết trong hàng triệu năm.
Trong đó, một cuộc đại tuyệt chủng xảy ra khi 60% số loài và 35% số giống trên Trái Đất biến mất.
9. Cận kề điểm "không thể quay lại"
Chúng ta có thể đang tiến gần hơn tới "điểm không thể quay lại" của khí hậu. Đây là cột mốc được các nhà khoa học định nghĩa là giai đoạn khí hậu trên Trái Đất dẫn đến một sự hỗn loạn, không có trạng thái cân bằng và không có mô hình lặp lại.
Nếu hiện tượng này không được cải thiện, chúng ta sẽ hoàn toàn không thể xác định được khí hậu Trái Đất đang đi theo hướng nào.
Điều đó có nghĩa là mọi khả năng kiểm soát và điều khiển Hệ thống Trái Đất hướng tới trạng thái cân bằng, có lợi cho khả năng sinh sống của sinh quyển sẽ bị tước đi khỏi chúng ta.