1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Những vụ phóng tên lửa thất bại trong năm 2022

Minh Khôi

(Dân trí) - Du hành vũ trụ vẫn là một thử thách lớn và rất nhiều nhiệm vụ trong năm 2022 đã không diễn ra theo kế hoạch.

Những vụ phóng tên lửa thất bại trong năm 2022 - 1

NASA phóng thành công tên lửa Artemis-1 (Ảnh: NASA).

Phóng tên lửa ra ngoài Trái Đất là điều đã được con người thực hiện từ đầu những năm của thế kỷ 20. Song đến nay, sau hơn 100 năm, đây vẫn là một trong những thử thách lớn của nhân loại.

Có hàng nghìn lý do tên lửa hay hệ thống phóng gặp trục trặc, dẫn tới những tai nạn ngoài mong đợi khi thực hiện giai đoạn đầu của một sứ mệnh không gian. Trên thực tế, giai đoạn phóng tên lửa và hạ cánh vẫn luôn được các phi hành gia coi là giai đoạn khó nhất của một chuyến bay.

Trong năm 2022, mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều mục tiêu lớn trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, nhưng song song với đó là những thất bại không hề nhỏ.

Tên lửa Astra gặp sự cố thảm khốc trong lần phóng đầu tiên

Những vụ phóng tên lửa thất bại trong năm 2022 - 2

Tên lửa của Astra gặp sự cố trong lần phóng thực hiện đầu năm 2022 (Ảnh: NASA).

Với mong muốn tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường hàng không, công ty Astra của Mỹ được thành lập năm 2016 đặt mục tiêu sẽ phóng thành công tên lửa Rocket 3 của hãng.

Tuy nhiên ngay trong lần phóng đầu tiên được thực hiện vào ngày 10/2/2022, tên lửa Rocket 3 gặp sự cố khoảng 3 phút sau khi được phóng lên bầu trời.

Nguyên nhân là do hệ thống phân tách tên lửa hoạt động không như mong đợi, khiến động cơ ở tầng trên bốc cháy và nổ tung. NASA cũng chịu thiệt hại một phần trong sứ mệnh này, khi mất đi 4 vệ tinh cubesat nằm trong sứ mệnh ELaNa 41 của mình.

Tên lửa iSpace thất bại lần thứ 3 liên tiếp

Những vụ phóng tên lửa thất bại trong năm 2022 - 3

Tên lửa của iSpace lần thứ 3 phóng tên lửa thất bại (Ảnh: Getty).

Năm 2019, iSpace tạo được tiếng vang khi trở thành công ty tư nhân đầu tiên của Trung Quốc phóng một tên lửa thành công vào quỹ đạo. Tuy nhiên, mọi thứ đã diễn ra không suôn sẻ kể từ đó, với 2 lần thất bại vào năm 2021, và lần thất bại thứ 3 gần nhất được ghi nhận trong năm 2022.

Đó là vào ngày 13/5/2022, khi tên lửa 4 tầng Hyperbola-1 của iSpace được phóng lên bầu trời. Mặc dù giai đoạn đầu diễn ra hoàn hảo, song tên lửa đã không thể thành công lên được tới quỹ đạo Trái Đất.

Những tiết lộ sau đó cho biết thất bại bắt nguồn từ một vấn đề liên quan tới hệ thống kiểm soát quán tính của tên lửa. Vấn đề này khiến iSpace không thể kiểm soát được hướng của tên lửa, và buộc phải ra lệnh tự hủy sau đó ít lâu.

Tên lửa của Blue Origin gặp sự cố bất thường

Những vụ phóng tên lửa thất bại trong năm 2022 - 4

Tên lửa New Shepard gặp sự cố bất thường do bộ tăng áp không hoạt động như mong đợi (Ảnh: Blue Origin).

Tên lửa cận quỹ đạo có thể tái sử dụng New Shepard của hãng Blue Origin đã thu hút sự chú ý của dư luận với các chuyến bay du lịch được thực hiện, mang theo 6 hành khách lên độ cao 100 km, rồi quay trở về an toàn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyến bay đều thành công được như mong đợi. Trong một sứ mệnh được thực hiện dành cho khoa học vào ngày 12/9/2022, một vấn đề đã xảy ra với bộ tăng áp của tên lửa New Shepard vài giây trước khi hệ thống đạt được độ cao 9.000 mét.

May mắn là hệ thống thoát hiểm đã được kích hoạt đúng như mong đợi, giúp viên nang kịp thời thoát ra khỏi tên lửa và hạ cánh an toàn xuống Trái Đất.

Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc trở thành mối đe dọa sau khi nổ tung

Những vụ phóng tên lửa thất bại trong năm 2022 - 5

Tên lửa Trường Chinh 6A của Trung Quốc gặp sự cố trên tầng quỹ đạo (Ảnh: China Daily).

Trung Quốc thực hiện thành công vụ phóng tên lửa Trường Chinh 6A (Long March 6A) của mình vào ngày 11/11, đưa vệ tinh Yunhai 3 vào quỹ đạo như dự kiến. Tuy nhiên sau đó, một vấn đề xảy ra với tầng trên của tên lửa, khiến nó vỡ tung khi đang lơ lửng trên tầng quỹ đạo.

Vụ nổ tan ra thành một "đám mây" với ít nhất 350 vật thể, được cho là có thể gây ra mối đe dọa cho các tàu vũ trụ khi thực hiện sứ mệnh trên quỹ đạo trong nhiều thập kỷ tới.

Trước đó, các mảnh vỡ từ vụ nổ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại khi quay ngược trở lại bầu khí quyển và rơi xuống Trái Đất.

Tên lửa Vega C của châu Âu gặp sự cố ở giai đoạn thứ 2

Những vụ phóng tên lửa thất bại trong năm 2022 - 6

Tên lửa Vega C của châu Âu thất bại trong lần phóng thứ 2 (Ảnh: ESA).

Vào ngày 20/12/2022, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nỗ lực trong lần phóng thứ 2 dành cho tên lửa Vega C nhằm mang theo 2 vệ tinh vào quỹ đạo.

Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên của tên lửa Vega C sau lần phóng thành công đầu tiên vào ngày 13/7. Theo ESA, Vega C là một phiên bản vượt trội so với tên lửa Vega thế hệ trước.

Tuy nhiên ngay ở giai đoạn thứ 2, tên lửa đã gặp phải sự cố bất thường sau chưa đầy 3 phút rời khỏi bệ phóng, khiến nó chệch khỏi lộ trình ban đầu và mất liên lạc.

Công ty cho biết thêm rằng họ đang tiến hành phân tích dữ liệu xác định nguyên nhân của thất bại. Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 24/11 nhưng đã bị tạm hoãn do trục trặc kỹ thuật ở bệ phóng.