1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022

Minh Khôi

(Dân trí) - Thiên nhiên hoang dã luôn khiến các khoa học bất ngờ theo những cách khác nhau, và dưới đây là những khám phá chưa từng được phát hiện.

1. Tinh tinh chữa trị vết thương cho nhau

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022 - 1

Ảnh: Getty Images

Các nhà khoa học đã ghi lại được cảnh tinh tinh bôi những con bọ bị nghiền nát lên vết thương ngoài da của chúng và đồng loại trong bầy.

Nhóm nghiên cứu cho rằng chúng đang cố gắng chữa trị vết thương cho nhau. Giả thuyết cho rằng những con bọ này có thể hoạt động như thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc giảm đau hoặc giảm viêm.

2. Lần đầu tiên tìm thấy âm vật của rắn

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022 - 2

Ảnh: Getty Images

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên mô tả thành công cấu trúc của âm vật rắn. Theo đó, cơ quan có dạng chẻ đôi, được gọi là "hemialitoris", có thể được tìm thấy ở ít nhất 9 loài rắn khác nhau.

Điều đặc biệt là "hemipenis" từng được nghiên cứu từ rất lâu, nhưng không ai mô tả cấu trúc tương đương ở rắn cái. Điều này khiến các nhà khoa học suy đoán rằng cơ quan sinh dục của rắn cái có thể đã bị biến mất hoặc thậm chí không tồn tại trong thời gian dài.

3. Ong có thể thay đổi thời tiết

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022 - 3

Ảnh: Alamy Stock Photo

Một nghiên cứu cho thấy đàn ong mật có thể tạo ra nhiều điện tích trong khí quyển, tới mức như một cơn bão. Theo đó, "đám mây" ong càng dày đặc thì điện trường mà chúng có thể tạo ra càng lớn.

Các nhà nghiên cứu cho biết không chắc rằng loài côn trùng này có thể thực sự tạo ra bão sét, nhưng chúng vẫn có thể gây ra những tác động nhất định đến thời tiết.

4. Bạch tuộc tự hủy diệt bản thân

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022 - 4

Ảnh: Marine Biological Laboratory

Khi trứng của bạch tuộc đến giai đoạn sắp nở, bạch tuộc mẹ sẽ bỏ rơi đàn con của mình và bắt đầu một hành vi "tự xé xác" kỳ lạ, hay thậm chí ăn thịt chính bản thân chúng.

Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng khi bạch tuộc đẻ trứng, hormone steroid được sản sinh mạnh mẽ bên trong cơ thể chúng, và đây là nguyên nhân khiến nó rơi vào trạng thái tự hủy diệt một cách điên cuồng.

5. Sự tiến hóa của ếch nhiễm phóng xạ

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022 - 5

Ảnh: Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Germán Orizaola và Pablo Burraco.

Trong một nghiên cứu mới đây được thực hiện dựa trên phân tích màu sắc da lưng của hơn 200 con ếch cây đực ở vùng Chernobyl, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chúng tự tiến hóa để sinh tồn trong khu vực bị ô nhiễm bởi phóng xạ.

Cụ thể, các mẫu ếch được tìm thấy tại 12 khu vực khác nhau đều có một đặc điểm chung, đó là màu lưng của chúng sẫm hơn đáng kể.

Hệ quả là loài ếch cây với màu xanh lá đặc trưng đã hoàn toàn trở thành màu đen và thống trị tại các vùng đầm lầy nhiễm xạ ở Chernobyl. Trong khi đó, những con ếch cây sống ở ngoài khu vực ô nhiễm vẫn có màu xanh nguyên bản.

6. Trăn Miến Điện có bộ hàm siêu co giãn

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022 - 6

Ảnh: Getty Images.

Trăn Miến Điện có thể duỗi cơ hàm của chúng cực kỳ rộng nhờ một mảnh mô liên kết đàn hồi kéo dài từ hộp sọ đến hàm dưới của chúng.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một con trăn nặng 59 kg, dài 4,3 mét có thể nhét vừa thùng nước gần 20 lít vào miệng.

Họ ước tính rằng những con trăn lớn hơn có khả năng nuốt với những vật thể có đường kính lớn hơn gấp 3 lần cơ thể của chúng.

7. Quạ có thể làm toán

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022 - 7

Ảnh: Alamy Stock Photo

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quạ có thể phân biệt các yếu tố được ghép nối trong một chuỗi lớn hơn. Đây là một khả năng nhận thức được gọi là đệ quy.

Trong các bài kiểm tra, những con quạ được huấn luyện thậm chí cho kết quả vượt trội hơn cả khỉ, hay thậm chí là những đứa trẻ mới biết đi.

8. Cấu trúc phi thường được tìm thấy ở loài kiến

Những điều chưa từng được hé lộ về động vật hoang dã trong năm 2022 - 8

Cấu trúc bộ hàm của kiến khi chúng khép lại.

Hàm của một con kiến giống như chiếc bẫy, có thể đóng lại với tốc độ nhanh hơn hàng nghìn lần so với một cái chớp mắt. Gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra lý do tại sao động lực này không phá vỡ cấu trúc bộ hàm của chúng.

Theo đó, để tạo ra chuyển động nêu trên, những con kiến uốn cong các cơ ở phần đầu để kéo hàm của chúng ra và mở ra các "chốt". Khi các hàm khép lại, lực tác động lên 2 đầu của mỗi hàm giúp kiến không chịu nhiều ma sát khi chúng đập vào nhau trong không khí. Nhờ vậy, kiến không thể tự hủy diệt bộ hàm của chính mình dựa trên việc khép hàm lại.