1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Trái Đất đang nóng lên với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận

Minh Khôi

(Dân trí) - Trái Đất từng mất tới 1 thế kỷ để ấm lên 0,3⁰C, nhưng chúng ta đã ghi nhận mức ấm lên 1⁰C chỉ trong 60 năm qua.

Trái Đất ấm lên từ khi nào?

Trái Đất đang nóng lên với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận - 1

Joseph Kincer, người đặt nền móng cơ bản cho biến đổi khí hậu (Ảnh: Getty).

Tháng 9/1933, nhà khí tượng học người Mỹ Joseph Kincer đã đặt ra một câu hỏi đơn giản: Khí hậu có đang thay đổi không? Kể từ đó, nỗ lực tìm hiểu phạm vi can thiệp của con người vào khí hậu đã bắt đầu.

Bằng cách kiểm tra xu hướng nhiệt độ đo được tại nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, Kincer kết luận rằng thế giới đang ấm lên, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Vào năm 1938, kỹ sư người Anh Guy Callendar lần đầu tiên "đo" được nhiệt độ trên đất liền của Trái Đất đã ấm lên khoảng 0,3⁰C trong 50 năm trước đó.

Callendar lập luận rằng sự nóng lên này phần lớn là do nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tăng cao do đốt than, dựa trên các lý thuyết trước đó về hiệu ứng nhà kính.

Ngày nay, phép đo tương tự từ hàng ngàn trạm quan trắc trên đất liền, tàu thuyền, vệ tinh... kết hợp với các mô hình dự báo thời tiết để đưa ra bức tranh tổng thể về cách khí hậu thay đổi theo từng ngày và từng thập kỷ.

Và rồi, các nhà nghiên cứu đều đưa ra một kết luận, Trái Đất đang nóng lên và với tốc độ ngày càng nhanh hơn.

Trái Đất đang nóng lên với tốc độ nhanh nhất

Trái Đất đang nóng lên với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận - 2

Trái Đất từng mất tới 1 thế kỷ để ấm lên 0,3⁰C, nhưng thế giới đã ấm lên 1⁰C chỉ trong 60 năm qua (Ảnh: Getty).

Hai năm gần đây nhất, 2023 và 2024, là những năm Trái Đất ấm lên nhanh nhất, xô đổ mọi kỷ lục tính từ giữa thế kỷ 19, chạm ngưỡng gần 1,5⁰C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.

Cần nhớ rằng Trái Đất từng mất tới 1 thế kỷ để ấm lên 0,3⁰C, nhưng chúng ta đã ghi nhận mức ấm lên 1⁰C chỉ trong 60 năm qua.

Yếu tố quyết định tốc độ nóng lên toàn cầu hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào lượng khí thải nhà kính, do hoạt động của con người.

Nói cách khác, nếu lượng khí nhà kính mà chúng ta thải ra tăng lên, thì tốc độ nóng lên của thế giới sẽ tăng tốc. Giảm lượng khí thải, sự nóng lên vẫn tiếp diễn, nhưng sẽ xảy ra với tốc độ chậm hơn.

Và chỉ khi lượng khí thải đạt mức bằng 0, thì nhiệt độ toàn cầu mới ổn định.

Trước năm 1970, có một thời kỳ hiếm hoi ghi nhận toàn cầu lạnh đi đôi chút, do sự gia tăng nhanh chóng của các hạt khí dung, đặc biệt là carbon đen, được đưa vào khí quyển. Tuy nhiên, đây cũng là một phần hệ quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà khoa học cho rằng, năm 2025 sẽ có thể ghi nhận một năm "hạ nhiệt" hơn so với 2024, với mức tăng nhiệt thấp hơn.

Nguyên nhân là do hiện tượng La Niña xảy ra vào cuối năm, sẽ đưa Trái Đất vào một chu kỳ chuyển đổi tự nhiên, chủ yếu xảy ra ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương.

Tuy nhiên trong tương lai, Trái Đất vẫn sẽ vượt quá mức ấm lên 1,5⁰C như một hệ quả tất yếu, và thậm chí hướng đến các cột mốc lớn hơn, như mức 1,6⁰C hoặc 1,7⁰C.

Khi đó, con người và toàn bộ hệ sinh thái trên Trái Đất sẽ đón nhận hậu quả nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, và chúng ta cần sớm chuẩn bị giải pháp để đối phó.

Theo www.sciencealert.com