1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tóm gọn lợn bướu tại hang ổ, sư tử không ngờ "kẻ thứ 3" xuất hiện

Minh Khôi

(Dân trí) - Mệt nhoài sau nỗ lực tìm kiếm và hạ gục con mồi, sư tử bất đắc dĩ rơi vào "cuộc chiến sống còn" với một kẻ thù vô cùng khó chịu.

Tóm gọn lợn bướu tại hang ổ, sư tử không ngờ "kẻ thứ 3" xuất hiện

Sư tử châu Phi và loài sư tử nói chung là những động vật ăn thịt mạnh mẽ, có cách săn mồi vô cùng quyết đoán và đầy khôn khéo. Trong nhiều trường hợp, sư tử không cần truy đuổi con mồi, mà có thể "thầm lặng" tiến đến rồi tung đòn kết liễu.

Một đoạn video đáng kinh ngạc được quay tại Công viên Quốc gia Serengeti (Tanzania) đã ghi lại cảnh một con sư tử lần theo dấu vết, mai phục, rồi tóm gọn một con lợn bướu ngay tại nơi trú ẩn của nó.

Thế nhưng lợn bướu là loài động vật không dễ đầu hàng. Có thể thấy rằng con sư tử đã vô cùng vất vả để khống chế đối thủ. Ngay cả khi bị ngoạm chặt ở cổ, nó vẫn cố gắng giãy dụa và tìm cách thoát thân.

Sau một hồi "quần thảo", sư tử cuối cùng đã chiếm được thế thượng phong. Thế nhưng một con linh cẩu bất ngờ xuất hiện và tham gia vào cuộc chiến.

Linh cẩu có kích thước chỉ bằng phân nửa sư tử, và rất hiếm khi chiến thắng trong các cuộc đấu tay đôi. Song, nó vẫn liều lĩnh tiến đến và chủ động giành lấy "bữa ăn" của đối phương.

Dù đã mệt lử, song sư tử quyết tâm không chia sẻ con mồi. Nó dùng mọi cách để xua đuổi "kẻ thứ 3", cũng là để bảo vệ chiến tích của bản thân.

Rốt cuộc, cái kết có hậu đã được trao cho sư tử. Nó ngoạm lấy con mồi và bỏ đi trong sự kiêu hãnh. Còn linh cẩu thì thất bại ê chề và chịu rút lui sau khi giành được một miếng nhỏ từ kẻ địch.

Tóm gọn lợn bướu tại hang ổ, sư tử không ngờ kẻ thứ 3 xuất hiện - 1

Sư tử quyết đấu với linh cẩu để giành lại miếng mồi.

Đoạn video trên là cảnh quay hiếm hoi cho thấy cả sư tử và linh cẩu dường như đều đi săn đơn lẻ. Trên thực tế, cả 2 loài này đều sống dựa vào bầy đàn và chúng có một chiến lược đi săn tập thể rất hiệu quả.

Đối với sư tử, mỗi thành viên trong bầy sẽ nhận lấy một nhiệm vụ. Sự phối hợp là rất quan trọng trong trường hợp con mồi quá lớn. Lúc này, một vài con sư tử có nhiệm vụ "nhử" con mồi, trong khi các con khác "thầm lặng" tiến đến và kết liễu.

Theo một thống kê, sư tử đơn độc chỉ thành công trung bình 20% số lần tấn công. Tuy nhiên khi đi săn theo bầy, chúng nâng tỷ lệ thành công lên thành 33%.

Ngay cả khi không nổi trội về kích thước cơ thể và sức mạnh, chúng vẫn hạ gục được những con mồi to lớn như trâu rừng, linh dương đầu bò... Tuy nhiên, sẽ có không ít trường hợp sư tử bị rơi vào nguy hiểm vì sự phản kháng từ con mồi.

Trong khi đó, linh cẩu có lối đi săn "xấu xí" hơn rất nhiều. Chúng thường tập trung thành đàn rất đông, từ 20 - 30 cá thể, rồi theo sau các động vật săn mồi khác như sư tử, báo... và cướp lấy thức ăn của chúng.

Để làm được điều này, chúng có khứu giác đặc biệt thính nhạy, có thể phát hiện được mùi máu cách xa hàng chục km. Linh cẩu cũng biết theo dõi và lợi dụng động vật ăn xác chết như kền kền để xác định vị trí của những cuộc đi săn thành công.

Với bản tính tham lam, liều lĩnh, hàm răng sắc nhọn và lối sống bầy đàn, một đàn linh cẩu có thể chiến thắng và giết chết sư tử nhờ vượt trội về số lượng. Ngay cả khi đơn độc, chúng cũng không ngại "cuỗm" mồi săn của sư tử, báo... nếu như thấy đối phương tỏ ra thụ động.