Ngựa vằn thoát chết khỏi sư tử trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"
(Dân trí) - Nỗ lực phi thường của ngựa vằn giúp nó thoát khỏi nanh vuốt của con sư tử háu đói.
Một video ngắn ghi lại khoảnh khắc chạm trán đầy kịch tính giữa sư tử và ngựa vằn tại Vườn quốc gia Serengeti, Tanzania.
Trong đoạn video, có thể thấy một con sư tử cái rình rập, rồi lao về phía bầy ngựa vằn khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy. Tận dụng sự hỗn loạn, sư tử đã thành công tóm được một con ngựa vằn trưởng thành.
Nó lập tức ngoạm cổ, rồi dùng móng vuốt để ghì con vật tội nghiệp xuống sát mặt đất. Tưởng như đây sẽ là cái kết cho ngựa vằn, thì điều bất ngờ đã xảy ra.
Với một ý chí phi thường, ngựa vằn cố gắng giãy dụa, rồi để phản công lại bằng cách cắn vào thân của sư tử. Dính đòn đau, kẻ săn mồi "choáng váng" và trong giây lát đã buông lỏng con mồi.
Tận dụng sơ hở, ngựa vằn vùng lên để bỏ chạy, rồi thoát chết trong gang tấc. Ở phía đối diện, sư tử chỉ biết nhìn theo con mồi với ánh mắt đầy tiếc nuối.
Ngựa vằn là một giống ngựa rất đặc biệt, thường sống ở vùng thảo nguyên và hoang mạc châu Phi. Khác với những người anh em của mình, ngựa vằn có một bộ lông với hai màu đen trắng, bố trí thành các sọc từ đầu đến chân. Màu sắc đặc biệt này của ngựa vằn có tác dụng rất lớn giúp chúng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt tại châu Phi.
Tuy nhiên, vũ khí đáng kể nhất của ngựa vằn chính là tốc độ, khi chúng có thể đạt tới vận tốc tối đa 68km/h. Không chỉ vậy, chúng cũng có đủ sự dẻo dai và sức bền để gây khó khăn cho kẻ săn mồi, thường là sư tử, báo hoa mai, báo săn... hay thậm chí là cá sấu.
Theo phân tích, sư tử và báo hoa mai có khoảng 6 giây để gây bất ngờ cho một con ngựa vằn, tính từ khi nó bắt đầu tấn công. Trong khoảng thời gian này, chúng sẽ cố gắng nhảy lên lưng hoặc vồ lấy ngựa vằn từ phía sau, rồi làm nó ngã quỵ xuống đất. Thế nhưng nếu để cuộc rượt đuổi kéo dài, ngựa vằn thường sẽ chiếm lợi thế nhờ tốc độ và sức bền của mình.
Ngoài ra, ngựa vằn còn một "vũ khí bí mật", đó là cú đá hậu bằng hai chân sau với lực cực mạnh. Theo tính toán, cú đá hậu của ngựa vằn có lực đạt tới 2,000 psi, tức gấp đôi so với lực cắn của sư tử, hay xấp xỉ một nửa so với lực cắn của cá sấu nước mặn.
Với lực đá này, ngựa vằn hoàn toàn đủ khả năng làm bể quai hàm của một con thú săn mồi nếu chúng dại dột đứng trong tầm chân.