1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tìm thấy ngoại hành tinh có kích thước bằng Trái Đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Ngoại hành tinh có kích thước bằng Trái Đất được tìm thấy ở khoảng cách 55 năm ánh sáng. Những đặc điểm của nó khiến các nhà khoa học bất ngờ.

Tìm thấy ngoại hành tinh có kích thước bằng Trái Đất - 1

Hình ảnh mô phỏng về ngoại hành tinh SPECULOOS-3 b quay quanh ngôi sao lùn đỏ của nó (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).

Mới đây, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện ra ngoại hành tinh mang tên SPECULOOS-3 b. Đặc điểm nổi bật của nó là có kích thước bằng với Trái Đất, đồng thời cách chúng ta chỉ khoảng 55 năm ánh sáng.

Mặc dù vậy, những đặc điểm của ngoại hành tinh này lại khá đối lập với Trái Đất. Cụ thể, thế giới trên hành tinh này bị thiêu rụi bởi lượng bức xạ cao từ mặt trời của nó.

Điều này khiến các nhà khoa học nhận định hành tinh này có thể không tồn tại bầu khí quyển. Không chỉ vậy, nó còn quay quanh ngôi sao của nó trong 17 giờ, trái ngược với Trái Đất.

Hành tinh còn có khả năng bị khóa thủy triều, nghĩa là một mặt của nó luôn hướng về phía mặt trời. Trong khi mặt bên kia bị bao phủ trong bóng tối.

Ngôi sao lùn đỏ (hay mặt trời của ngoại hành tinh) mang tên SpecULOOS-3 cũng rất khác so với Mặt Trời của chúng ta. Nó có kích thước ngang bằng Sao Mộc, được phát hiện có nhiệt độ 2.627 độ C, mát hơn Mặt Trời vài nghìn độ và cũng phát sáng yếu hơn.

Michaël Gillon, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định sự sống như chúng ta vẫn biết không thể xuất hiện trên bề mặt hành tinh. Đó là bởi nó không thể duy trì một lượng nước đủ lớn ở dạng lỏng.

"Đó là một hành tinh đá trơ trụi giống như Sao Thủy", Gillon chia sẻ.

Mặc dù SpecULOOS-3 b không thân thiện với sự sống, nhưng các nhà thiên văn học cho rằng, họ vẫn có thể thực hiện các nghiên cứu chi tiết về thành phần hóa học của nó bằng cách sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb.

Điều này nhằm lý giải liệu SpecULOOS-3 b có từng tồn tại các hoạt động địa chất hay không, từ đó tạo tiền đề cho quá trình nghiên cứu địa chất ngoại hành tinh.

Theo www.astronomy.com