Tìm thấy "chiếc nôi" sự sống từ bên ngoài Hệ Mặt Trời
(Dân trí) - Con người vừa có một phát hiện mới đáng kinh ngạc ở nơi "lạnh nhất và tối nhất" của vũ trụ.
Theo Science Alert, kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA (JWST) vừa tìm thấy "các khối xây dựng sự sống" bị đóng băng bên trong đám mây phân tử có tên Chamaeleon I nằm cách Trái Đất hơn 500 năm ánh sáng. "Dữ liệu từ kính viễn vọng đã tiết lộ sự hiện diện của carbon đông lạnh, hydro, oxy, nitơ và lưu huỳnh", NASA cho biết.
Theo nhà thiên văn học Maria Drozdovskaya tới từ Đại học Bern (Đức), đây đều là những nguyên tố quan trọng đối với sự hình thành khí quyển và các phân tử như amino axit, được gọi chung là CHONS. "Những nguyên tố này là thành phần quan trọng của các phân tử tiền sinh học như axit amin đơn giản, và do đó có thể được coi là thành phần của sự sống", bà chia sẻ.
Không chỉ vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Leiden (Hà Lan) cũng đã xác định được dạng đông lạnh của các phân tử phức tạp hơn, gồm: nước, metan, amoniac, cacbonyl sulfua và phân tử hữu cơ metanol.
Để "nhìn thấu" thành phần hóa học ở nơi rất xa Trái Đất, các nhà khoa học đã dựa vào những dấu hiệu hấp thụ ánh sáng. Cụ thể, họ phát hiện ra rằng ánh sáng đi xuyên qua đám mây có thể được hấp thụ bởi các nguyên tố và phân tử bên trong. Từ đó, mỗi hóa chất khác nhau lại hấp thụ các bước sóng khác nhau.
Khi quang phổ của ánh sáng phát ra được thu thập, các bước sóng hấp thụ này sẽ khác nhau. Nhờ những phân tích này, các nhà khoa học có thể xác định được các vạch hấp thụ ở Chamaeleon I để tìm ra từng nguyên tố riêng biệt có chứa bên trong chúng.
Từ những phát hiện trên, các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng CHONS và các phân tử khác đã tồn tại từ rất lâu trong đám mây phân tử sinh ra Mặt Trời. Một số trong số chúng sau đó được chuyển đến Trái Đất thông qua các tác động của sao chổi và các tiểu hành tinh.
Nhà thiên văn học Will Rocha đến từ Đài quan sát Leiden cho biết việc tìm thấy các phân tử hữu cơ phức tạp cho thấy nhiều hệ thống sao và hành tinh dường như kế thừa các phân tử ở trạng thái hóa học tiên tiến.
Điều này đi đến một kết luận, rằng sự hiện diện của các phân tử tiền sinh học trong các hệ hành tinh là kết quả chung từ quá trình hình thành ngôi sao, chứ không phải là một đặc điểm chỉ riêng ở Hệ Mặt trời của chúng ta.
Dẫu vậy, đây chỉ là bức ảnh đầu tiên trong một loạt ảnh chụp quang phổ mà JWST thu thập được.
Từ những bằng chứng cụ thể hơn, các nhà khoa học kỳ vọng rằng nhân loại có thể sẽ sớm tìm ra được quá trình tiến hóa của sự sống bên trong vũ trụ.