1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

NASA tiết lộ kính viễn vọng chuyên tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất

Phạm Hường

(Dân trí) - Một kính viễn vọng mới có chiều dài 6 mét, trị giá 11 tỷ đô la Mỹ sắp sửa được đưa vào sử dụng từ năm 2027.

NASA tiết lộ kính viễn vọng chuyên tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 1

Sự sống ngoài Trái Đất là điều được tìm kiếm trong suốt nhiều thập kỷ (Ảnh: Adobe).

Kính viễn vọng không gian James Webb là một đài quan sát trị giá hàng tỷ đô la Mỹ và mới được sử dụng 6 tháng nay, nhưng NASA đã sẵn sàng cho một "người kế vị" của nó để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Theo kế hoạch, cơ quan này sẽ khánh thành Đài quan sát Những thế giới có cư dân vào năm 2027 và đây không phải là kính viễn vọng duy nhất sau James Webb sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người ngoài hành tinh. 

Đài quan sát Những thế giới có cư dân là một phần của sáng kiến khởi động lại chương trình Thám sát Vĩ đại của NASA, một chương trình đã sử dụng kính viễn vọng Hubble và nhiều kính viễn vọng khác trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Với một kính viễn vọng mới có chiều dài 6 mét và trị giá 11 tỷ đô la Mỹ sắp sửa được đưa vào sử dụng từ năm 2027, NASA hy vọng sẽ phát hiện được dấu hiệu của sự sống trên 25 hành tinh lân cận như một bước tái khởi động chương trình tìm kiếm người ngoài hành tinh.

Thông tin này vừa được NASA tiết lộ tại Cuộc họp Hiệp hội Thiên văn học Mỹ vào đầu tháng 1/2023. Kính viễn vọng mới này sẽ có thiết bị chống lóa cực mạnh để bảo vệ mắt kính khỏi ánh sáng Mặt Trời, nhờ đó nó có thể nghiên cứu những vật thể mờ mà mắt kính không thể quan sát được khi bị Mặt Trời chiếu lóa. Mục tiêu mà kính viễn vọng này nhắm tới chính là Điểm Lagrange 2 hay còn gọi là L2.

NASA tiết lộ kính viễn vọng chuyên tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 2

Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA (Ảnh: Getty).

Đây là vùng không gian nằm cách Trái Đất hàng triệu km ở phía bên kia Mặt Trời. Điểm Lagrange là nơi mà lực hấp dẫn từ Trái Đất và từ Mặt Trời triệt tiêu lẫn nhau, cho phép Đài quan sát Những thế giới có cư dân có thể trôi lơ lửng trong không gian.

Một số kế hoạch nghiên cứu vũ trụ khác, ví dụ như bóng thám không của MIT (Viện công nghệ Massachusetts) cũng sẽ nhắm đến Điểm Lagrange làm cơ sở vì trọng lực ở đây yếu hơn những vùng khác. Hiện NASA chưa công bố chi tiết kế hoạch và thiết kế của Đài thiên văn Những thế giới có cư dân cho đến khi đội ngũ kỹ sư của họ kết hợp mọi thứ với nhau.

Cho dù như vậy, thông tin về việc NASA sẽ sử dụng "người kế nhiệm" James Webb cũng vô cùng thú vị, nhất là khi kính viễn vọng mới này sẽ tiếp tục công cuộc khám phá và tiết lộ những bí mật kinh ngạc về thế giới không gian bao la vượt ra ngoài vùng khí quyển của hành tinh chúng ta, về những chi tiết của vũ trụ thuở ban đầu.

Theo bgr.com