Tàu vũ trụ Nga đâm vào Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Tàu đổ bộ Luna-25 của Nga bị mất kiểm soát và đâm vào Mặt Trăng, khiến sứ mệnh này chính thức thất bại.

Tàu vũ trụ Nga đâm vào Mặt Trăng - 1

Bức ảnh cuối cùng chụp từ camera của tàu vũ trụ Luna-25 cho thấy miệng núi lửa Zeeman nằm tại cực nam của Mặt Trăng (Ảnh: Roscosmos).

18h57 ngày 19/8 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos thông báo sứ mệnh Luna-25 chính thức thất bại. Nguyên nhân là bởi con tàu đã gặp trục trặc và lao thẳng xuống bề mặt của Mặt Trăng trong lúc đang ổn định độ cao.

"Con tàu di chuyển vào quỹ đạo không thể đoán trước và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt Trăng", Roscosmos cho biết. Trước đó, tàu Luna-25 theo dự kiến, sẽ hạ cánh xuống Mặt Trăng vào ngày 21/8.

Theo Reuters, một ủy ban nội bộ đã được thành lập để điều tra những lý do đằng sau sự cố của con tàu này.

Trước khi sứ mệnh Luna-25 được khởi động, Lev Zeleny, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga, cho biết họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho lần hạ cánh này.

"Các kỹ sư của sứ mệnh ước tính rằng chúng tôi có 80% cơ hội thành công", ông Zeleny cho biết trước khi buổi phóng diễn ra.

Dẫu vậy, rõ ràng là mọi thứ đã nằm ngoài kiểm soát của Roscosmos, khi họ thậm chí còn chưa đưa được tàu Luna-25 đến giai đoạn hạ cánh.

Tàu vũ trụ Nga đâm vào Mặt Trăng - 2

Sứ mệnh Mặt Trăng được kỳ vọng bậc nhất của Nga trong năm 2023 chính thức thất bại (Ảnh: Reuters).

Cách đây ít hôm, khi tàu vũ trụ Luna-25 bắt đầu tiến vào quỹ đạo của Mặt Trăng, tàu vẫn hoạt động ổn định, và gửi tín hiệu liên lạc đều đặn về Trái Đất.

"Tất cả hệ thống của Luna-25 đang hoạt động bình thường, tàu giữ liên lạc ổn định với Trái Đất", Roscosmos cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm 17/8.

Luna-25 là sứ mệnh không gian được kỳ vọng bậc nhất của Nga trong suốt nhiều năm. Thế nhưng giờ đây, sự thất bại của nó cho thấy bước thụt lùi của Nga từ thời Chiến tranh Lạnh trong lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ.

Thực tế cho thấy, những thành tựu đáng chú ý nhất của Nga đều đã nằm trong quá khứ, như việc là nước đầu tiên phóng vệ tinh Sputnik-1 lên quỹ đạo Trái Đất vào năm 1957, hay đưa nhà du hành Yuri Gagarin bay vào vũ trụ năm 1961.

Trong suốt nhiều năm, các nhà khoa học Nga đã không ít lần phàn nàn về năng lực yếu kém của những nhà quản lý chương trình vũ trụ với nhiều dự án kém thực tế.

"Thật đáng buồn khi không thể hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt Trăng", Mikhail Marov, nhà vật lý và thiên văn học hàng đầu của Nga bày tỏ sự thất vọng.

Được biết, Mikhail Marov hiện đã 90 tuổi, và ông cho rằng đây có lẽ là hy vọng cuối cùng của mình để chứng kiến sự hồi sinh chương trình Mặt Trăng do Nga dẫn đầu.

Theo www.reuters.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm