Tàu thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc không hề di chuyển nhiều tháng?

Phạm Hường

(Dân trí) - Tàu thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc, xe tự hành Chúc Dung, có thể đã không hề di chuyển trong nhiều tháng.

Tàu thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc không hề di chuyển nhiều tháng? - 1

Xe tự hành của Trung Quốc đã chết? Thông tin trinh sát của NASA cho biết không có dấu hiệu sự sống từ xe tự hành của Trung Quốc trên bề mặt sao Hỏa kể từ khi nó rơi vào trạng thái ngủ đông. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Trường đại học Arizona).

Theo tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các nhà khoa học Trung Quốc đang cố gắng liên lạc với xe tự hành trên sao Hỏa. Xe tự hành Chúc Dung của Trung Quốc có thể đã bị bụi che phủ và cạn kiệt năng lượng, giống như tàu đổi bộ InSight của NASA.

Hình ảnh mà NASA mới thu thập gần đây cho thấy tàu thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc, xe tự hành Chúc Dung, đã không hề di chuyển trong nhiều tháng. Nhiều thông tin cũng cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đang hết sức cố gắng để thiết lập lại đường liên lạc và cứu con tàu này.

Bức ảnh do tàu Trinh sát Quỹ đạo sao Hỏa của NASA chụp khi chiếc xe tự hành vẫn đang hoạt động. Nó có đi lại trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9/2022.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Chúc Dung rơi vào trạng thái ngủ đông vào tháng 5/2022 để đợi đến mùa đông băng giá của sao Hỏa và những cơn bão cát khắc nghiệt. Đó là cách hoạt động tiêu chuẩn. NASA cũng cho các tàu thám hiểm sao Hỏa của mình ngủ đông để tiết kiệm năng lượng khi ánh sáng mặt trời yếu.

Nhưng khi Chúc Dung lẽ ra phải thức dậy vào tháng 12/2022, các nhà khoa học đã không thể liên lạc được, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết.

Ngày 7/2/2023 vừa qua, tàu thám hiểm của NASA bay trên quỹ đạo quanh sao Hỏa đã chụp ảnh Chúc Dung. Vị trí của chiếc xe tự hành này không hề thay đổi từ tháng 9.

Rất có thể con tàu thám hiểm bề mặt sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc đã chung số phận với một vài con tàu của NASA, đó là chúng bị bụi phủ kín không thể tiếp nhận ánh sáng mặt trời.

Sao Hỏa có lẽ đã "đòi mạng" thêm một chiếc xe tự hành nữa

Tàu thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc không hề di chuyển nhiều tháng? - 2

Các mũi tên chỉ vào vị trí của xe tự hành Chúc Dung của Trung Quốc vào tháng 3/2022, tháng 9/2022 và tháng 2/2023. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Trường đại học Arizona).

Lần đầu tiên xe tự hành Chúc Dung đổ bộ lên sao Hỏa là ngày 15/3/2021, với nhiệm vụ khám phá vùng lòng chảo Utopia Planitia rộng lớn và tìm kiếm nước đóng băng bên dưới đá núi lửa.

Nó là xe tự hành đầu tiên của Trung Quốc, được thiết kế để hoạt động trong 3 tháng, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động được sau đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết. Theo một nguồn tin, rất có thể bão cát đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng hoạt động của những tấm pin mặt trời của Chúc Dung khiến nó không thể nạp được năng lượng.

Những chiếc xe tự hành thế hệ đầu của NASA cũng hoạt động nhờ năng lượng mặt trời. Gió mạnh rất hữu ích vì chúng thổi sạch bụi trên mặt các tấm pin, nhưng những cơn bão bụi khổng lồ hoành hành khắp sao Hỏa có thể che khuất Mặt Trời trong nhiều ngày và để lại một lớp bụi che phủ hoàn toàn các tấm pin đó. Đây chính là trường hợp xảy ra với xe tự hành Opportunity vào năm 2018. Tháng 12/2022 vừa qua, xe tự hành Insight cũng chung số phận.

Tàu thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc không hề di chuyển nhiều tháng? - 3

Bức ảnh chụp mặt lưng của xe tự hành Chúc Dung của Trung Quốc ở điểm hạ cánh của nó trên vùng lòng chảo Utopia Planitia sau khi đổ bộ vào ngày 15/3/2021. (Ảnh: Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc).

Cũng theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong một bức ảnh do Chúc Dung tự chụp sau khi đổ bộ vào năm 2021, các tấm pin của nó rất sạch sẽ. Tuy nhiên, những bức ảnh chụp vào tháng 1/2022 đã cho thấy những tấm pin này đã có một lớp bụi mỏng. Không khó để hình dung rằng sau một mùa bão cát, Chúc Dung bây giờ đã bị che phủ hoàn toàn dưới bụi sao Hỏa.

Trung Quốc chưa đưa ra thông tin cập nhật nào về tình trạng của Chúc Dung. Chiếc xe tự hành này là nhiệm vụ chính trong kế hoạch liên hành tinh đầu tiên của Trung Quốc, kèm với một con tàu bay trên quỹ đạo quanh sao Hỏa. Hạ cánh thành công một chiếc xe tự hành là kỳ tích đáng kinh ngạc, nhưng duy trì hoạt động của nó trong điều kiện khắc nghiệt trên hành tinh Đỏ lại là việc khác.