1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phi hành gia bắt trọn khoảnh khắc cực quang tuyệt đẹp từ Trạm Vũ trụ

Minh Khôi

(Dân trí) - Bức ảnh của Josh Cassada cho thấy mức độ rộng lớn và ngoạn mục của màn trình diễn ánh sáng độc đáo này.

Phi hành gia bắt trọn khoảnh khắc cực quang tuyệt đẹp từ Trạm Vũ trụ - 1

Phi hành gia Josh Cassada của NASA đăng tải bức ảnh cực quang tuyệt đẹp khi anh đang thực hiện nhiệm vụ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS (Ảnh: NASA/Josh Cassada).

Phi hành gia NASA Josh Cassada vừa chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp về màn trình diễn ánh sáng từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nơi bay cách Trái Đất trung bình khoảng 400 km.

"Thật không thể tin nổi", Cassada thích thú khi nói về bức ảnh mà anh đăng trên trang Twitter cá nhân hôm 28/2. Bức ảnh của Josh Cassada cho thấy mức độ rộng lớn và ngoạn mục của hiện tượng cực quang, đang xảy ra quanh các vĩ độ cực Bắc trên Trái Đất.

Cực quang được tạo thành bởi sự tương tác của các hạt năng lượng mang điện tích của Mặt Trời với các phân tử trong bầu khí quyển của Trái Đất. Gần đây, hiện tượng này tiếp tục gia tăng do hoạt động mạnh mẽ từ Mặt Trời.

Bỏ qua vẻ đẹp rực rỡ của bầu trời cực quang, dưới một góc độ khác, hiện tượng này gây ra một tác động tiêu cực, đó là khiến tầng ozon bị ăn mòn. Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra rằng tác động của các cực quang proton cô lập tạo ra một lỗ hổng rộng gần 400 km vuông trên tầng ozon, khiến hầu hết ozon biến mất trong khoảng 2 giờ đồng hồ.

Phi hành gia bắt trọn khoảnh khắc cực quang tuyệt đẹp từ Trạm Vũ trụ - 2

Cực quang dọc theo Bãi biển Hornbaek ở phía bắc Sealand, Đan Mạch, ghi nhận vào ngày 27/2 (Ảnh: Mads Claus Rasmussen/Ritzau Scanpix/AFP).

Theo đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cực quang proton cô lập đi kèm với sự tấn công dữ dội của tia plasma (do Mặt Trời phóng ra) mang theo các ion điện từ có năng lượng cao, hướng về Trái Đất.

Các hạt này bị kẹt trong vành đai bức xạ Van Allen, khiến chúng không trực tiếp "bắn phá" hành tinh của chúng ta và biến nó thành một vùng đất hoang như Sao Hỏa.

Tuy nhiên, vẫn có một số hạt điện từ lọt qua vành đai bức xạ, và gây xáo trộn cho bầu khí quyển của Trái Đất. Hệ quả của hoạt động này, là các oxit nitơ và hydro được giải phóng do tương tác của các hạt với bầu khí quyển gây suy giảm tầng ozon.

Theo cảnh báo của các nhà khoa học, cực quang xảy ra có thể gây trục trặc một số vệ tinh đang hoạt động và cơ sở hạ tầng điện dưới mặt đất. Các hạt mang tích điện cũng là mối nguy hiểm đối với các phi hành gia đang làm nhiệm vụ ngoài không gian.